Tín dụng đen đã được kiềm chế

Trường Thịnh

(Dân trí) - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp Quốc hội chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm khẳng định tín dụng đen đã được kiềm chế.

Tín dụng đen được kiềm chế

Tại phiên họp Quốc hội diễn ra trong chiều 9/11, đại biểu Trần Văn Cường (Đồng Tháp) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về tín dụng đen. Theo ông Cường, tín dụng đen đang hoành hành khắp cả thành thị lẫn nông thôn. Nạn nhân là những gia đình, cá nhân gặp khó khăn về kinh tế. Con nợ bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen, rất nguy hiểm. Thậm chí, người thân của con nợ cũng bị khủng bố, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định tín dụng đen đã được kiềm chế. Ông cho biết trong những năm 2018-2019, bộ Công an đã trấn áp rất mạnh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

“Cho đến hiện nay, chúng tôi đánh giá thì tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế và nhiều chỗ đối tượng không dám hoạt động, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nhưng rõ ràng tình hình tiềm ẩn, nhất là cho vay qua mạng Internet và những nhu cầu tín dụng đen vẫn còn nhiều, do đó tội phạm vẫn còn đất để hoạt động mạnh”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Một trong những nguyên nhân giúp tín dụng đen được kiểm soát chính là Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ đã được thực hiện đúng, đã phân công rõ trách nhiệm cụ thể trong từng ngành để giải quyết tín dụng đen.

Trong Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những nhiệm vụ quan trọng được giao cho Ngân hàng Nhà nước là: “Nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các công tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn ‘tín dụng đen’”. Vì vậy, người dân hạn chế tìm đến tín dụng đen.

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định các công ty tài chính có đóng góp rất lớn vào nhiệm vụ ngăn chặn tín dụng đen.

Ông Hiếu phân tích, các công ty tài chính thể hiện vai trò của mình bằng các chương trình cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế và tài chính của người dân với các tiêu chí không quá khắt khe như tại ngân hàng.

Nói cách khác, nhiều khách hàng chưa đáp ứng được đầy đủ quy định của ngân hàng, thay vì vay tín dụng đen, họ có thể tiếp cận nguồn vốn từ các công ty tài chính. Nguồn vốn này đáp ứng cho đa dạng nhu cầu của người dân, từ mua điện thoại, máy tính, ô tô đến mua nhà, sửa nhà, chữa bệnh...

Tín dụng đen đã được kiềm chế - 1

Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty tài chính giúp hạn chế tín dụng đen

Vai trò của các công ty tài chính trong nhiệm vụ ngăn chặn tín dụng đen, bảo vệ người dân đã được khẳng định. Câu hỏi được đặt ra đâu là “đầu tàu” quan trọng nhất mang lại dịch vụ tài chính lành mạnh cho người dân?

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hình thành từ cuối những năm 1990 nhưng phải đến năm 2007, thị trường đã bắt đầu phát triển. Theo dữ liệu từ BIDV, đến nay, tỷ trọng trọng tín dụng tiêu dùng đã chiếm khoảng 20,5% trong tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012, với mức tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm.

Rất nhiều đơn vị cùng nhau chia “miếng bánh” tín dụng tiêu dùng đang có xu hướng phát triển nhanh chóng. Trong đó có tới 18 công ty tài chính, hàng chục ngân hàng có dịch vụ cho vay tiêu dùng.

Ở mảng ngân hàng, Sacombank, Techcombank, OCB, VPBank và TPBank là những gương mặt tiêu biểu nhất về cho vay tiêu dùng. Thế nhưng, nếu so sánh về dư nợ tín dụng, các đơn vị này vẫn đứng sau các công ty tài chính.

Hiện tại, có 18 công ty tài chính đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Nhưng được biết đến rộng rãi nhất vẫn là FE Credit, Home Credit, HD Saison, Mcredit, Shinhan Finace, Mirae Asset và JACCS. Trong đó, chỉ FE Credit đang dẫn đầu với hơn 50% thị phần, Home Credit và HD Saison nắm giữ lần lượt là 17% và 11% thị phần. 4 công ty còn lại chỉ nhận được “miếng bánh nhỏ” là Mcredit (6%), Shinhan Finace (6%), Mirae Asset (3%) và JACCS (2%).

Sau 10 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Fe Credit đã phục vụ hơn 11 triệu khách, hợp tác với hơn 10.000 đối tác và sở hữu 19.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc. Hiện doanh nghiệp này đang có hơn 4 triệu tài khoản sử dụng các dịch vụ tài chính tiêu dùng thường xuyên.