Tín dụng 50.000 tỷ đồng để phát triển nhà trả chậm ?

Chỉ cần tới một địa chỉ, khách hàng sẽ được đáp ứng trọn gói xây nhà từ A đến Z, từ việc thiết kế, thi công, mua vật liệu đến kế hoạch tài chính. Liệu mô hình nhà trả chậm từng thành công tại TP.HCM có nằm trong chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng?

Nhà xây trọn gói – thanh toán chậm

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh mới đây đã liên tiếp tổ chức 2 hội nghị triển khai chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng ngành xây dựng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ông Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc VNCB cho biết: Mục tiêu của chương trình nhằm hiện thực hóa và vận hành thông suốt chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà (Chủ đầu tư - Nhà thầu - Nhà tổ chức cung ứng SX VLXD - Ngân hàng), xây dựng Sàn kinh doanh VLXD chuyên nghiệp, an toàn tín dụng cho các ngân hàng liên minh cấp vốn, khơi thông hàng hóa VLXD thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ…

Ngay khi thông tin này được đưa ra, nhiều khách hàng đã nghĩ ngay đến chương trình “xây dựng nhà trả chậm” dành cho những người lao động có thu nhập thường xuyên nhưng không có khả năng để có thể xây nhà ngay một lúc đã từng được Tập đoàn Thiên Thanh triển khai thành công tại TP.Hồ Chí Minh từ năm 2007.
 
Tín dụng 50.000 tỷ đồng để phát triển nhà trả chậm ?

Việc xây sửa nhà trọn gói, thanh toán chậm đã tạo cơ hội cho nhiều người có thu nhập trung bình có nơi ở khang trang

Theo đó, khách hàng có nhu cầu xây mới một căn nhà chỉ phải trả số tiền khoảng 10% giá trị công trình và trả chậm trong vòng 3-5 năm theo lãi suất ngân hàng. Không những vậy, mọi các khâu trong quá trình xây dựng từ tư vấn thiết kế, chọn vật liệu xây dựng, thuê thợ và cả bài toán tài chính cũng đều được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trọn gói.

Doanh nghiệp cũng đã có hẳn một siêu thị vật liệu xây dựng để khách hàng tự chọn sản phẩm phù hợp với sở thích và túi tiền. Ngoài ra khách hàng còn được miễn phí tiền tư vấn nếu có yêu cầu và phí làm thủ tục giấy phép xây dựng và hợp thức hóa...

Ông Nguyễn Văn Đức – một khách hàng ở phường 7, quận Bình THạnh, Tp HCM từng chia sẻ: “Sau khi được tư vấn kỹ càng, gia đình tôi nhất trí ký hợp đồng với công ty. Trong suốt thời gian 4 tháng xây dựng, gia đình tôi không phải lo lắng gì về vấn đề thiết kế, xây dựng, vật tư, thuê thợ… bên công ty lo hết!”

Hay như chị Võ Thị Cẩm Tuyết (TPHCM) cũng vô cùng cảm thấy hài lòng với mô hình trọn gói và trả chậm khi xây nhà này. Chị cho biết: “Việc hợp tác giữa công ty với gia đình tôi diễn ra rất thuận lợi. Căn nhà tôi xây lên tôi rất vừa ý, từ quá trình lên thiết kế cho đến việc cung cấp vật liệu xây dựng, thi công…”

Phá vỡ rào cản để nhân rộng mô hình

Không ai có thể phủ nhận những ưu việt mà mô hình xây nhà trọn gói và trả chậm mang lại song việc nhân rộng đã gặp phải những rào cản không nhỏ. Trong đó, vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp từng kinh doanh loại hình này vướng mắc là xác định nguồn thu nhập của khách hàng nên đã xảy ra nhiều trường hợp khách hàng không có khả năng thanh toán vốn và lãi suất định kỳ, dẫn đến nhiều tranh chấp phức tạp giữa khách hàng và các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cũng không ít nhà đầu tư đã lạm dụng mục đích tốt đẹp của loại hình kinh doanh này để nâng giá trị thiết kế, thi công xây dựng cao hơn so với giá thị trường nhằm trục lợi tối đa những người mà lẽ ra họ cần đuợc sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội ! Từ đó tính cộng đồng tốt đẹp của loại hình kinh doanh này đã bị bóp méo, biến dạng, niềm tin của những người có thu nhập thấp vừa le lói lại sớm lụi tàn, thay vào đó là sự ngờ vực vào những đơn vị làm ăn chân chính.

Trở lại câu chuyện về chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay thương mại và sản xuất, VNCB dự kiến cung ứng khoảng 10.000 tỷ đồng tín dụng ngắn hạn cho VLXD và được quay vòng trong năm 2014. Đồng thời, với cấu trúc chuỗi liên kết khép kín 4 nhà, VNCB cho biết, các sản phẩm dịch vụ và tín dụng cho mua, xây, sửa nhà với hình thức vay trả chậm đến 15 năm với nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất và các dịch vụ.
 
Tín dụng 50.000 tỷ đồng để phát triển nhà trả chậm ?

Mô hình chuỗi liên kết 4 nhà liệu có tạo ra sự đột phá giúp nhiều người dân hiện thực hóa ước mơ có nhà?

Bên cạnh đó, với vai trò nhà tổ chức, Tập đoàn Thiên Thanh đang có kế hoạch mở rộng trung tâm vật liệu xây dựng có quy mô lên tới 100 nghìn m2 ngay trên nền siêu thị cũ hiện có ở TP Hồ Chí Minh, đồng thời mong muốn hình thành thêm các trung tâm vật liệu xây dựng lớn tại Hà Nội, Đà Nẵng…

Rõ ràng, bản chất của việc liên kết 4 nhà cũng chính là hình thức phát triển nhà ở với các dịch vụ trọn gói (từ các dự án lớn cho đến nhà ở riêng lẻ) và được thanh toán trả chậm nhưng có tiếp thu, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, từ đó tạo ra sự liên kết chuyên nghiệp, bền vững và quy mô hơn. Bởi vậy, nhìn thấy tiềm năng tương lai từ mô hình này, hiện đã có thêm một số ngân hàng đăng ký với Vụ tín dụng của Ngân hàng nhà nước tham gia chuỗi liên kết 4 nhà.

Như vậy, với việc triển khai chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng, những người có thu nhập thấp và trung bình có nhiều cơ hội hơn để có thể làm chủ ngôi nhà mới so với việc phải mất nhiều năm dành dụm để có đủ năng lực tài chính tự xây cho mình một ổ ấm. Vấn đề giờ chỉ là sự chứng minh của các đơn vị tham gia về hiệu quả của một mô hình mà những ưu việt là không có gì phải bàn cãi.

Ngày 18/5 tới, tại Tp.HCM, Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) sẽ tổ chức Hội nghị triển khai chương trình “Chuỗi liên kết tài trợ sửa chữa, xây nhà trả ở trả chậm” nhằm hiện thực hóa mô hình chuỗi liên kết 4 nhà.

Chương trình dự kiến sẽ được bắt đầu ngay từ cuối tháng 5/2014 và được cung ứng khoảng 10.000 tỷ đồng tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng với các mục đích như: xây dựng mới, xây dựng bổ sung, sửa chữa… nhà để ở hoặc để kinh doanh; bổ sung vốn cho Nhà thầu chính để thanh toán tiền mua VLXD, nhân công cho Nhà thầu phụ khi thi công nhà cho khách hàng.

Chương trình sẽ được áp dụng tiên phong tại Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó sẽ triển khai rộng tới Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ…

 
Lan Hương
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước