Tìm được nguồn vắc xin từ nước ngoài, 4 hiệp hội đề xuất Chính phủ hỗ trợ

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Đại diện 4 hiệp hội vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vắc xin khẩn trương và hợp pháp để tiêm cho người lao động ngành hàng xuất khẩu.

Tìm được nguồn vắc xin từ nước ngoài, 4 hiệp hội đề xuất Chính phủ hỗ trợ - 1

Tìm được vaccine, liên minh 4 hiệp hội kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thủ tục nhập. Mọi chi phí để triển khai các hoạt động trên sẽ do doanh nghiệp các hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm.

Cụ thể, 4 hiệp hội doanh nghiệp bao gồm Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và các bộ ngành liên quan đến vấn đề vắc xin cho người lao động.

4 hiệp hội kiến nghị khẩn trương thực hiện 2 giải pháp cấp bách. Chính phủ cần tạo điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất (cuối tháng 7 và đầu tháng 8) lượng vắc xin để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp của 4 ngành hàng xuất khẩu để tiếp tục vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch.

Ngoài ra, 4 hiệp hội cũng đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ các hiệp hội mua vắc xin từ nguồn cung tự tìm kiểm để tiêm miễn phí cho người lao động.

Đại diện 4 hiệp hội cho biết họ đã chủ động tìm nguồn cung vắc xin từ Tập đoàn Royal Stratergic Partner UAE (UAE). Ngày 13/7, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã tới làm việc với tập đoàn để xác minh về khả năng cung ứng vaccine của họ.

Theo 4 hiệp hội, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn cho doanh nghiệp triển khai thủ tục nhập khẩu vaccine nhưng do đây là hoạt động chưa có tiền lệ nên sẽ có nhiều vướng mắc về thủ tục ảnh hưởng tới tiến độ nhập.

"Chúng tôi đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với tập đoàn trên hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam đủ điều kiện triển khai thủ tục, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động tại nhà máy", đại diện 4 hiệp hội kiến nghị.

Các đơn vị này khẳng định mọi chi phí để triển khai các hoạt động trên sẽ do doanh nghiệp các hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm.

Theo lãnh đạo các hiệp hội, 3 tháng gần đây, khi Covid-19 bùng phát trở lại và nghiêm trọng tại các nhà máy khu công nghiệp, đặc biệt tại khu vực phía Nam, các doanh nghiệp được yêu cầu thực hiện "3 tại chỗ" (sản xuất, ăn, ngủ tại chỗ). Tuy nhiên do các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này có quy mô lớn, dùng hàng nghìn đến vài chục nghìn lao động nên không đủ khả năng triển khai.

Do vậy trên 90% các doanh nghiệp đều phải chấp nhận dừng sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cho các nhãn đã tin tưởng đặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Về dài hạn việc này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các nhãn hàng các nhà nhập khẩu về thị trường Việt Nam.

Năm 2021, tổng cầu cho các mặt hàng của bốn ngành tại thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU đã tăng mạnh hơn so với năm 2020. Nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng đến cuối năm, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu và đóng góp vào việc gia tăng GDP cho năm 2021 và các năm tới nếu đợt dịch mới không bùng phát mạnh.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của các ngành trên đạt gần 150 tỷ USD một năm, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần nuôi sống trên 8 triệu lao động và có khoảng 12,5 triệu người gián tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ ngành trên. Kim ngạch 6 tháng đầu năm của 4 ngành đều có tốc độ tăng trưởng từ 15-20%.