Tìm cách tăng diện tích trồng sâm ở Việt Nam lên 21.000ha

An Huy

(Dân trí) - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 sẽ đạt sản lượng khai thác 300 tấn sâm/năm, nhưng việc triển khai mở rộng trồng sâm ở các địa phương còn nhiều khó khăn.

Ngày 15/11, báo Thanh Niên tổ chức hội thảo "Chung tay vì sự phát triển sâm quốc bảo", với sự tham dự của đại diện một số lãnh đạo Trung ương, địa phương và các chuyên gia ngành lâm nghiệp, dược liệu.

Hội thảo là dịp để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, địa phương trồng sâm trao đổi, tìm giải pháp nhân rộng diện tích trồng sâm của Việt Nam theo quy mô công nghiệp, đem lại sản lượng lớn để phát triển kinh tế như ngành sâm Hàn Quốc.

Tìm cách tăng diện tích trồng sâm ở Việt Nam lên 21.000ha - 1

Nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập báo Thanh Niên phát biểu tại hội thảo (Ảnh: An Huy).

Đồng thời, hội thảo còn đưa ra những giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông ách tắc liên quan đến cơ chế chính sách, quy hoạch và phát triển ngành sâm theo định hướng Quyết định 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

GS.TS Trần Công Luận, nguyên Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TPHCM, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Đô cho biết, sâm Ngọc Linh là loại "thuốc giấu" của đồng bào Xê Đăng. Trong chiến tranh, đồng bào sử dụng sâm cho cán bộ dùng để hồi phục sức khỏe. Đến năm 1973, dược sĩ Đào Kim Long là người đầu tiên phát hiện ra cây sâm Ngọc Linh tại vùng núi Ngọc Linh, thuộc tỉnh Kon Tum.

Sau hơn 50 năm được phát hiện, sâm Ngọc Linh đã được Chính phủ công nhận là "quốc bảo" và đang vươn tầm ra thế giới. Do sự quý hiếm và có giá trị kinh tế cao, việc ngụy tạo loại sâm này thành một vấn nạn.

Vị chuyên gia cho biết rất cần một hành lang minh bạch, an toàn về tính pháp lý của loại sâm này và sự tỉnh táo của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Theo TS Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), theo Quyết định 611/QĐ-TTg của Chính phủ, đến năm 2030 nước ta phấn đấu tăng diện tích trồng sâm lên khoảng 21.000ha, sản lượng khai thác đạt khoảng 300 tấn mỗi năm.

Ông cho rằng, để đạt được mục tiêu này, cần thiết lập các vùng nguyên liệu quy mô lớn với chất lượng giống tốt và áp dụng cơ giới hóa trong các công đoạn trồng, chăm sóc và thu hoạch sâm.

Tại hội thảo, một số chuyên gia ngành dược liệu cũng chỉ rõ các thành phần trong sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, có công dụng rất tốt đối với con người, không thua kém gì giống sâm nổi tiếng ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc trồng và cung cấp sâm ra thị trường chưa nhiều do diện tích sản xuất còn hẹp. Đồng thời giá bán khá cao, khó tiếp cận đại đa số người tiêu dùng.

Ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Quyết định 611 của Thủ tướng đã nêu ra nhiều nhiệm vụ cụ thể để phát triển sâm Việt Nam, nhưng thực tế việc triển khai còn nhiều khó khăn, nhất là vướng mắc việc thuê môi trường rừng để phát triển dược liệu.

"Đơn vị đang tham mưu xây dựng các cơ sở pháp lý, qua đó hướng tới hỗ trợ địa phương trong định hướng phát triển và huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đồng hành cùng các địa phương và phối hợp các bộ, ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển sâm Việt Nam", ông Lượng nói.

Quyết định 611/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình phát triển sâm Việt Nam" đến năm 2030, định hướng 2045 đặt ra mục tiêu: Phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000ha vào năm 2030. 100% diện tích trồng sâm của Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Sản lượng khai thác sâm Việt Nam đến năm 2030 đạt 300 tấn/năm. Sâm phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO hoặc tương đương.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm