1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cà Mau:

Tiểu thương “tố” bị xã “bẻ kèo”, "gài bẫy"!

(Dân trí) - Được lãnh đạo xã hứa giữ nguyên hiện trạng các sạp kinh doanh, tiểu thương chợ cũ xã Phú Tân, huyện Phú Tân (Cà Mau) hăng hái giao tiền cho UBND xã làm chủ đầu tư xây lại chợ. Tuy nhiên, khi chợ xây xong, lãnh đạo địa phương này đã “bẻ kèo”.

Từ “bẻ kèo”..

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Theo trình bày của các tiểu thương chợ cũ xã Phú Tân, huyện Phú Tân (Cà Mau), vào tháng 8/2014, UBND xã Phú Tân tổ chức họp tiểu thương để lấy ý kiến về việc xây dựng chợ nhà lồng để việc buôn bán đi vào nề nếp của nông thôn mới. Theo thỏa thuận, nguồn tiền xây dựng chợ là do các tiểu thương đóng góp dựa trên diện tích các sạp kinh doanh của mình, xã hứa sẽ giữ nguyên trạng các sạp, chỉ trừ giảm hao diện tích cho việc mở lối đi (hẻm) trong chợ.

Mặc dù số tiền phải đóng góp là khá lớn (gần 5 triệu đồng/m2), nhưng để có nơi buôn bán nề nếp, hầu hết các tiểu thương đều vui vẻ bỏ tiền giao luôn UBND xã giữ tiền, làm chủ đầu tư.

Trước khi xây chợ, lãnh đạo xã đã cho đo đạc, ghi nhận lại diện tích các sạp đang buôn bán để khi hoàn thành sẽ tiến hành cấp lại cho các tiểu thương. Thực tế là như vậy, nhưng khi chợ hoàn thành xã lại phân chia một cách tứ tung, người bị mất, kẻ được thêm khiến nhiều tiểu thương gặp khó khăn trong việc mua bán và mất lòng tin đối với chính quyền sở tại. Nhiều tiểu thương bức xúc, gửi cơ quan chức năng trình bày sự việc, để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên, tiểu thương toàn nhận được những câu trả lời suông và hết sức vô trách nhiệm của cơ quan chức năng huyện Phú Tân.

Cụ thể, ngày 5/3/2015, UBND huyện Phú Tân có Công văn số 248 do ông Võ Trường Giang (Phú Chủ tịch UBND huyện) ký với nội dung: “Việc thực hiện xây dựng khu vực bên ngoài nhà lồng chợ xã Phú Tân được thực hiện đúng theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công; tuy nhiên, do phải chỉnh trang lại chợ, mở rộng và bố trí thêm hẻm, hành lang ven sông, lối đi bộ nên diện tích các quầy mua bán có tăng lên và giảm đi so với trước khi xây dựng là phù hợp”.

Trong khi đó, đơn yêu cầu của các tiểu thương là không phản đối việc giảm trừ diện tích các sạp vì mục đích công cộng mà phản ánh rất rõ xã đã cố ý lấy diện tích sạp của người này để tăng diện tích sạp của người khác bên cạnh hoặc sạp đấu đuôi chứ không hề nói đến việc tăng giảm diện tích vì mục đích mở hẻm, hành lan ven sông…

Nhiều tiểu thương nhận định, Công văn số 248 của UBND huyện Phú Tân chỉ dựa vào báo cáo của xã, không tìm hiểu thực tế nên nội dung trả lời hoàn toàn không liên quan gì đến nội dung đơn khiếu nại của người dân.

Nhiều tiểu thương bức xúc cho rằng xã đã bẻ kèo khiến họ mất quyền lợi trong kinh doanh.
Nhiều tiểu thương bức xúc cho rằng xã đã bẻ kèo khiến họ mất quyền lợi trong kinh doanh.

Ông Tô Văn Phết (đại diện cho các tiểu thương bị mất quyền lợi tại chợ cũ xã Phú Tân) cho rằng: “Nếu tăng giảm diện tích vì mục đích công cộng thì chúng tôi hoàn toàn thống nhất. Đằng này, xã lại lấy của người này chia cho người khác là không thể chấp nhận được. Đó là còn chưa nói đến việc chủ các sạp phải bỏ gần 5 triệu đồng/m2 để xây chợ”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh việc có tìm hiểu thực tế trước khi ban hành công văn 248, ông Võ Trường Giang- Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân- cho rằng, trước khi ban hành văn bản ông đã chỉ đạo Phòng Kinh tế- Hạ tầng xuống làm việc rất rõ ràng. Trong khi đó, nhiều tiểu thương khẳng định, từ khi họ gửi đơn yêu cầu đến nay, không thấy cán bộ nào xuống gặp họ tìm hiểu thực tế nhưng lại có văn bản trả lời là rất khó hiểu.
 
...đến gài bẫy dân!

Theo hồ sơ mà phóng viên có được, từ năm 2007, xã Phú Tân cho ông Nghiêm Hoàng Lộc thuê sạp kinh doanh là 27m2. Từ đó đến nay, ông Lộc vẫn phải đóng tiền thuê mặt bằng với diện tích này. Tuy nhiên, khi di dời các sạp để xây chợ mới, chính quyền địa phương cấp lại sạp cho ông Lộc chỉ có hơn 5m2.

Quá bức xúc, ông Lộc đã làm đơn khiếu nại gửi UBND xã Phú Tân thì nhận được Công văn trả lời với nội dung “không giải quyết đơn khiếu nại của ông Nghiêm Hoàng Lộc”.

Sau đó, ông Lộc tiếp tục “đội đơn” đến cấp cao hơn thì đầu tháng 12/2014, UBND xã Phú Tân đã có cuộc họp bất thường với một số tiểu thương ở chợ do ông Huỳnh Văn Lớn (Phó Chủ tịch UBND xã) chủ trì. Tại cuộc họp, ngoài những cán bộ xã, chỉ có 7 tiểu thương và hầu hết là những hộ được cho là cấp đất thừa diện tích, chỉ có ông Nghiêm Hoàng Lộc là bị mất quyền lợi.

Theo ông Lộc trình bày, tại cuộc họp, ông Lớn nói là sẽ mở lối đi (hẻm) ngay tại sạp của ông Lộc, nhưng các hộ kinh doanh có ý kiến không đồng ý vì cho rằng mở lối đi không tác dụng gì cả. Theo đó, ông Lớn và một vài hộ kinh doanh, trong đó có 2 người được cấp diện tích sạp chồng lên diện tích của ông Lộc “hứa” sẽ nhường lại bề ngang 0,5m cho ông làm lối đi, trong khi trước đó lối đi sạp kinh doanh của ông Lộc là hơn 1m.

Do không hiểu biết cộng với việc sợ bị mất chỗ buôn bán nên ông Lộc đành phải ký biên bản. Điều lạ là sau khi ông Lộc ký biên bản thì UBND xã Phú Tân lập tức ra quyết định thu công văn trả lời trước đó và trả lại cho ông Lộc một phần diện tích từ hơn 5m2 tăng lên hơn 14m2.

Trả lời phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân - ông Huỳnh Văn Lớn- cho rằng, xã chỉ làm theo yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt nghi vấn là có mấy hộ đòi mở hẻm thì ông Lớn lập bập: “Như anh đã thấy trong biên bản, chỉ có một hộ duy nhất là ông Phan Văn Lẫm…”.

Ông Lộc cho rằng, ông bị xã gài nên lối đi vào sạp của ông chỉ người nhỏ con mới có thể đi thông.
Ông Lộc cho rằng, ông bị xã gài nên lối đi vào sạp của ông chỉ người nhỏ con mới có thể đi thông.

Theo ghi nhận của phóng viên, dù chợ đã đưa vào hoạt động hơn nửa năm nhưng sạp kinh doanh của ông Nghiêm Hoàng Lộc vẫn bỏ trống, do lối đi vào sạp quá hẹp nên không thể buôn bán được.

Theo ông Lộc, trước đây lối đi vào sạp trong diện tích mà ông đã thuê và đóng thuế mặt bằng hằng năm thì bề ngang lối đi là hơn 1m thì hiện tại còn không tới 0,5m. Do UBND xã đã “gài” ông ký vào biên bản rồi lấy diện tích sạp của ông để cấp cho hai hộ khác. Nhiều người ví von lối đi vào sạp ông Lộc chỉ bằng đường…chuột chạy, người hơi to con phải chật vật lắm mới lách đi vào được.

Ông Lộc thông tin, do nhận thấy Công văn 248 của UBND huyện Phú Tân chưa đúng thực tế nên ông tiếp tục gửi đơn trình bày khiếu nại của ông. Ông Võ Trường Giang lại tiếp tục ký văn bản trả lời với nội dung hết sức vô lý: “Quyết định hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nghiêm Hoàng Lộc”.

Tuấn Thanh

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”