1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tiểu thương lắt lay xoay nghề phụ

Thời buổi khó khăn, các tiểu thương kinh doanh đã giở đủ “ngón nghề” để cạnh tranh lẫn nhau song vẫn không cải thiện được tình trạng vắng khách kéo dài.

Cửa hàng tạp hóa kiêm bán sim thẻ, cà phê...

Cửa hàng tạp hóa kiêm bán sim thẻ, cà phê...

 
Nhiều tiểu thương đã phải đi làm thêm, xoay xở thêm lĩnh vực kinh doanh nhằm chống hụt thu…
 
Hàng quần áo kiêm… nước chè rong!

Thông thường, các ngày thứ Bảy, Chủ nhật là thời điểm đông khách nhất của các shop, các chợ. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH, hai ngày cuối tuần vừa qua (30/6 và 1/7) tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như Tứ Liên, Nhật Tân (quận Tây Hồ), Bưởi, Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Thành Công (quận Ba Đình)... đều trong tình trạng vắng khách. Thậm chí có một số gian hàng đóng cửa do sức mua quá yếu.

Có mặt tại chợ Nghĩa Tân vào lúc 10h sáng, trong vai một người đi tìm thuê lại ki ốt trong chợ, chúng tôi nhận được khá nhiều lời chào mời kèm… răn đe. Chị Lương Thị Nga, chủ ki ốt bán quần áo tại chợ Nghĩa Tân chia sẻ: “Bọn chị đang ế vêu, muốn bỏ nghề, em lại tìm ki ốt bán quần áo. Không đủ tiền trả tiền thuê cửa hàng đâu em ơi”. “Em thấy chợ này bán quần áo chạy lắm mà”. “Trước đây thôi, bây giờ thì ế dài. Đấy em xem, vào giờ này nhất là ngày cuối tuần như thế này, bình thường rất đông khách nhưng bây giờ có ai đâu?”. Chị Nga cố thanh minh để tôi hiểu rằng chị nói vậy không phải sợ tôi thuê cửa hàng, giành mất khách, mà ế ẩm là sự thật. “Năm nay khó khăn, khách hàng tiết kiệm lắm, mua quần áo không nhiều như những năm trước” – chị phân bua.

Cùng cảnh chị Nga, song một số tiểu thương bán hàng gần đó lại nhanh nhảu mời chào: “Em bán quần áo thì mua lại ki ốt của chị, chị bán rẻ cho”. Chị Nga thì chỉ tay về phía 2 chiếc ấm to tướng phía ngoài ki ốt của mình nói: “Em thấy 2 cái ấm kia không? Lát nữa chị phải đi bán rong để kiếm thêm đấy. Vậy mà cũng nhiều người tiết kiệm mang nước ở nhà đi đấy. Nhiều hôm nước chè rong như chị cũng… ế vêu!”.

Vẫn trong vai người đi tìm thuê ki ốt chúng tôi có mặt tại chợ Thành Công. Ế hàng, chị Thu Huyền, chủ cửa hàng giầy dép nói chuyện khá cởi mở: “Thuê ki ốt bây giờ đang dễ vì hàng không bán được, nhiều nhà đổi nghề, trả lại. Nhưng người bán ở đây chủ yếu là những nhà đã mua ki ốt hoặc thuê dài hạn với giá thấp, còn thuê mới thì mạo hiểm vì hàng quán bây giờ ế lắm. Em định bán hàng gì?”. “Em đang định bán giầy dép thời trang ạ”. Chị Huyền ôm mặt cười lớn: “Tưởng gì chứ mặt hàng đó thì chỉ có nước đến đây ngắm chị, tám chuyện, ngồi đọc báo, xem tivi thôi… ế lắm không bán được đâu. Em nhìn 2 ki ốt vừa đóng cửa lúc nãy kia kìa. Hai chị đấy phải rủ nhau bán thêm hàng nước vỉa hè để có tiền cho con ăn học đấy. Cứ trưa cao điểm thì cả hai người phải đóng cửa để cùng bán nước. Còn buổi sáng và chiều thì chia nhau, hôm nay người này bán thì ngày mai người kia đấy”.

“Có thấy chị đang làm gì không? Nhận đính phụ kiện theo mẫu lên áo xuất khẩu. Một chiếc chỉ được 5.000 đồng mà vẫn phải làm đấy”, chị Huyền than thở. Nhiều tiểu thương khác cũng tìm cách để làm thêm ngay trong lúc bán hàng. Có người trước đây hai vợ chồng bán hai ki-ốt gần nhau giờ giao lại cả cho vợ còn chồng ra ngoài chạy xe ôm.
 
Nhà nhà "xen canh"

Để trang trải cho cuộc sống, nhiều cửa hàng, đại lý, salon cũng tranh thủ “xen canh” kiếm thêm: Bán hàng tạp hóa kiêm bán nước giải khát; Salon tóc kết hợp làm móng và bán quần áo, cửa hàng bán sim thẻ bán cả… bánh rán.

Chủ cửa hàng tạp hóa Bích Lan, phố Phan Chu Trinh (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Hàng bán “xen canh” không cần phải liên quan mà cứ có thêm thu nhập là được. Tôi bán tạp hóa là những món hàng thiết thân với cuộc sống hàng ngày vậy mà vẫn ế. Ăn có thể giảm nhưng những khoản như đóng học cho con, mua sách vở quần áo phục vụ năm học mới là không thể giảm được. Tôi phải bán thêm sim thẻ, nước giải khát…”. 

Chị Thanh Thủy, chủ salon tóc 175 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy cũng cho biết: “Làm đẹp bây giờ cũng bị khách hàng hạn chế đến mức tối đa nên tôi chủ trương làm thêm được gì có thêm thu nhập càng tốt: Tôi cho nhân viên đi học làm móng phục vụ khách, bán thêm quần áo giá bình dân, đồ mỹ phẩm. Cửa hàng nhỏ nhưng vẫn phải “xen canh” mới sống được em ạ. Trông chờ vào làm tóc thì chỉ có nước chết đói".

Một cửa hàng có thể kinh doanh "xen canh" tới 2-3 mặt hàng khác nhau: Cửa hàng Internet thì bán nước giải khát, đồ ăn nhẹ, bán sim thẻ; Cửa hàng quần áo thì bán thêm trà đá, chèn đỗ đen vào buổi tối; cửa hàng bán sim thẻ thì bán thêm đồ điện dân dụng, cầm đồ…

Theo các chủ cửa hàng, việc bán hàng kết hợp kiểu này có thể tăng thêm thu nhập trong khi họ không phải trả thêm tiền thuê mặt bằng, phí hay thuế. Nghĩa là hình thức “kinh doanh kép” này chỉ có được mà không mất. Điều đáng nói là hình thức kinh doanh này không chỉ tồn tại ở những cửa hàng nhỏ, mà xuất hiện ở cả những doanh nghiệp lớn. Một số địa điểm kinh doanh bất động sản ở phố Nguyễn Phong Sắc kéo dài (quận Cầu Giấy) vốn trước đây được coi là “đại gia” là “chuyên nghiệp” với đủ thứ dịch vụ sang trọng tiền tỷ giờ cũng xuống nước kết hợp bán nước giải khát, nước mía, bán đồ ăn, bán phở... để tăng thu nhập. Thế mới biết, sự khó khăn đã bám rễ sâu vào đời sống kinh doanh tới mức nào!
 
Mai Hạnh