1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Tiết kiệm điện không cứ phải là… tắt điện”

Có rất nhiều biện pháp thông minh và khả thi để tiết kiệm điện, chứ không chỉ đơn giản là cắt điện. Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm điện năng và dung dịch hoạt hóa điện hóa (Viện Khoa học Việt Nam).

Thưa ông, từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị định về tiết kiệm điện nhưng đến nay, hiệu quả vẫn thấp, tại sao vậy?

Lâu nay, cứ nói đến tiết kiệm điện là người ta nghĩ đến phương pháp cắt điện! Trong khi đó, việc tìm kiếm, chế tạo ra những thiết bị tiết kiệm điện năng, biến đổi điện năng thành cơ năng, hoá năng, nhiệt năng, quang năng và ngược lại… lại ít được chú ý.

Trong cuộc sống, có nhiều thứ làm ra điện lắm, nhưng người ta không chịu đầu tư. Như chủ một khách sạn đã sững sờ khi thay bình nước nóng dùng điện bằng pin mặt trời giúp tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hay như rác thải hữu cơ, mùn cưa, bã mía cũng có thể biến thành điện đủ dùng ở quy mô hộ gia đình nhưng chúng ta vẫn để lãng phí!

Tiết kiệm bằng cách cắt điện ở những nơi… kém quan trọng, xét trên khía cạnh nào đó, nó gây ra sự lãng phí rất lớn. Ví dụ, một công ty sản xuất quy mô lớn, với những chiếc lò nung công suất cao, 3 ngày bị cắt điện một lần thì việc khởi động và làm nóng một lò nung sẽ “ngốn” một lượng điện rất lớn. Để tiết kiệm điện, ta phải dùng hệ thống tiết kiệm điện năng cho những thiết bị có công suất cao. Thay vì cắt điện, nên nghĩ tới việc giảm lượng điện tiêu thụ xuống…

Có thể thấy điều này, nếu tắt bớt đèn quảng cáo, sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh. Mà thực ra, hệ thống đèn màu dùng quảng cáo cũng không tốn điện mấy. Nhìn dưới góc độ khoa học thì đó chưa phải là mấu chốt của vấn đề tiết kiệm điện.

Bởi lẽ, điện năng chiếu sáng trên toàn thế giới chỉ chiếm khoảng 20% tổng số lượng điện tiêu thụ. Riêng điện chiếu sáng dùng cho đường phố chỉ chiếm 3%. Cho nên, việc tắt bớt số đèn điện đường phố trong giờ cao điểm chỉ gây… tai nạn chứ không tiết kiệm được bao nhiêu điện. Ở các đô thị trên thế giới, ở đâu có đèn sáng, ở đó tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông ít đi.

Ở tầm vĩ mô, ngành điện phải quan tâm hơn tới tiết kiệm điện trong truyền tải và xây dựng được nhiều loại nhà máy điện như: phong điện, khí điện đạm, điện thuỷ triều, quang điện, điện nguyên tử… thay cho việc đầu tư quá nhiều vào các nhà máy thủy điện như hiện nay.

Là chuyên gia trong lĩnh vực tiết kiệm điện, theo ông nên khắc phục bằng cách nào?

Chúng ta nên sớm cụ thể hóa việc tiết kiệm điện trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đơn giản như cái bóng đèn để bàn hiện nay, hầu hết người ta vẫn dùng bóng đèn dây tóc nóng sáng loại 60 W. Cả nước có 23 triệu học sinh, sinh viên, nếu chỉ cần thay bằng bóng đèn huỳnh quang compact 11W, mỗi ngày dùng điện 4 giờ thì cả nước đã tiết kiệm được 4,5 triệu KWh điện, lớn hơn cả số điện năng mà ngành điện đang điều động từ Nam ra Bắc.

Hay như một toà nhà 21 tầng, người ta lập dự toán có hơn hàng trăm bóng đèn nhiều loại khác nhau. Tôi tư vấn dự toán khác, giúp tiết kiệm tiền điện gần 100 triệu đồng mỗi tháng, nhưng người ta vẫn không theo dự toán của mình vì theo dự toán cũ mới có phần trăm cao hơn.

Nhiều khi tiết kiệm điện vẫn chỉ là “khẩu hiệu”, vì nước mình còn thiếu những quy chuẩn cần thiết. Như ở châu Âu, từ năm 2000 người ta đã cấm sử dụng những loại chấn lưu gây hao tổn năng lượng, ở Thái Lan từ năm 2003 không sản xuất bóng đèn huỳnh quang chất lượng thấp T10 và bóng đèn dây tóc nóng sáng. Ở Mỹ, có hẳn một bộ tiêu chuẩn chiếu sáng dài hơn 200 trang. Thế nhưng ở nước mình những vấn đề ấy vẫn đang bỏ ngỏ.

Thực tế cho thấy, để tiết kiệm điện, việc triển khai kiểm toán năng lượng tại các doanh nghiệp, tòa nhà, khu dân cư... là hết sức cần thiết, nhưng thật đáng buồn khi 70% đơn vị tham gia kiểm toán là các doanh nghiệp tư nhân, còn các cơ quan Nhà nước vẫn đứng ngoài cuộc vì quen xài “điện chùa”…

Tôi nghĩ, ngành điện nên sớm phối hợp với ngành tài chính quy định phải dùng bóng đèn tiết kiệm điện như thế nào, khoán lượng điện tiêu thụ ra sao trong công sở, có thể trích một phần trong số tiền tiết kiệm điện thưởng cho người lao động để tiết kiệm điện thực sự gắn với lợi ích của họ…

Hiện trên thị trường có quá nhiều loại bóng đèn tiết kiệm điện, nhưng người tiêu dùng chưa thông hiểu hết. Ông có lời khuyên gì cho độc giả không?

Hiện nay, có rất nhiều loại bóng đèn tiết kiệm điện như bóng đèn compact huỳnh quang, đèn ống huỳnh quang, đèn sodium, nhưng dùng đèn compact huỳnh quang, đèn ống huỳnh quang là phù hợp hơn.

Tuy nhiên, nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề này chưa đúng. Những thiết bị tiết kiệm điện như thế thường có giá cao hơn từ 2 đến 3 lần các loại thiết bị thông thường. Người dân thấy đắt hơn nên không dùng vì chưa nhìn thấy cái lợi của nó.

Thực tế, có nhiều loại bóng đèn huỳnh quang nước ngoài bán ở Việt Nam hiện nay giá rẻ hơn bóng đèn nội rất nhiều, nhưng chúng tôi đã cùng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra thì thấy đó chỉ là hàng kém chất lượng, có loại ghi công suất 11 W nhưng thực tế độ rọi sáng chỉ bằng bóng đèn 3 W của Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Theo Hoàng Lam
VnEconomy