Tiếp tục phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ công
(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, việc vay để trả nợ là biện pháp nghiệp vụ thông thường, phù hợp với thông lệ quốc tế để cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng bền vững, hiệu quả hơn, không làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, không vượt trần nợ công quy định.
Nợ công của Việt Nam dự kiến sẽ chạm trần năm 2016
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Tân Giám đốc VinaPhone và “con sóng” đã lặng * Đường sắt cảnh báo: Mua vé tàu điện tử qua "cò", có thể dính vé giả * Nhân tài Việt 'chảy máu' Singapore, Thái Lan |
Ông Tuấn cho biết, việc phát hành nhằm mục đích thay các khoản vay với thời gian ngắn lãi cao bằng khoản vay có lãi suất hợp lý với thời gian dài hơn, trên cơ sở hệ số tín nhiệm của Việt Nam cao hơn trước. Bên cạnh đó sẽ huy động vốn hợp lý, thời gian dài cho các dự án trọng điểm quốc gia, chuẩn bị cho mục tiêu thay dần các nguồn vay ưu đãi ODA, vì khi Việt Nam bước sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp thì phải tính đến thay nguồn vốn ODA bằng các nguồn vốn phù hợp hơn.
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, hoạt động vay nợ phải dựa trên nguyên tắc không vượt quá trần nợ công (65% GDP), đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế, không bị ràng buộc các điều kiện sử dụng, đồng thời đảm bảo an toàn an ninh kinh tế, quản lý rủi ro các dự án trọng điểm.
Bộ Tài chính đã trình chủ trương, trên cơ sở đó, xây dựng đề án, lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành , địa phương…, sau đó, sẽ phải trình Quốc hội thông qua mới có căn cứ pháp lý để thực hiện.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, khi trình Quốc hội thông qua dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015, các phương án bảo đảm cân đối ngân sách, bù đắp bội chi, trả nợ đều đã được Chính phủ thảo luận kỹ, có phương án dự phòng khả thi, chủ động trong điều hành.
Theo người phát ngôn Chính phủ, việc vay để trả nợ là biện pháp nghiệp vụ thông thường, phù hợp với thông lệ quốc tế để cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng bền vững, hiệu quả hơn, không làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, không vượt trần nợ công quy định và thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015, trong đó tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay hiện nay bằng các khoản vay mới với lãi suất thấp hơn, kỳ hạn vay dài hơn.
Thực tế vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của giá dầu thô thế giới giảm mạnh, nhưng tình hình thu, chi Ngân sách Nhà nước đến nay đạt khá. Tổng thu Ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm đạt 34,5% dự toán, tăng khá so với cùng kỳ một số năm gần đây, bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi theo đúng dự toán, chế độ quy định và tiến độ thực hiện.
Để chủ động ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015; đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, hoạt động thu chi Ngân sách Nhà nước, tình hình thị trường tiền tệ để chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối Ngân sách Nhà nước – Bộ trưởng cho hay.
Bích Diệp