1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tiếp thị trên mạng xã hội ở Việt Nam: Lý thuyết xám?

Gần 3 năm từ khi mạng xã hội bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, việc tiếp thị thông qua kênh truyền thông này là vấn đề không mới nhưng làm sao để có hiệu quả cao vẫn là chuyện đáng bàn.

Hiệu quả cao - chi phí thấp

Về bản chất, mạng xã hội là kênh giao tiếp, đối thoại hai chiều mà doanh nghiệp có thể tận dụng để tương tác với khách hàng, từ đó truyền thông và tiếp thị rộng rãi tới cộng đồng. Một trong những mô hình khá phổ biến cho viêc xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội là fan page.

Cái lợi của fan page là có thể giúp doanh nghiệp truyền bá thông tin và tiếp nhận phản hồi cùng lúc. Khác xa với phương pháp truyền thông truyền thống chú trọng cung cấp thông tin một chiều, mạng xã hội với tính năng lan truyền (viral) vừa giúp đưa thông tin về sản phẩm lan nhanh trong cộng đồng vừa cho phép doanh nghiệp có thể “lắng nghe” tiếng nói của khách hàng để có sự điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với nhu cầu của họ.
 
Tiếp thị trên mạng xã hội ở Việt Nam: Lý thuyết xám?

 Fan page của Megastar trên Zing Me

Bên cạnh đó, công cụ quản trị trên fan page sẽ giúp các nhãn hàng, doanh nghiệp có thể đo lường trực tiếp hiệu quả đầu tư (ROI), từ đó có định hướng xây dựng chiến lược quảng bá sao cho hiệu quả. ROI trên fan page là số liệu về lượng tương tác, tốc độ tăng trưởng thành viên (Zing Me, Facebook, go.vn); số người hâm mộ, theo đuôi (Twitter); lượt xem, lượt thích (Facebook, Zing Me); lượt “tặng hoa”, lượt “trứng thối (Zing Me)… Các con số này sẽ cho doanh nghiệp thấy được mức độ quan tâm của khách hàng với sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp, nhãn hàng này cung cấp.

Tiếp thị trên mạng xã hội ở Việt Nam: Lý thuyết xám?
Công cụ thống kê trên fan page Zing Me

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà phát triển mạng xã hội với nhau đã thúc đẩy việc ra đời nhiều tính năng hữu ích, hỗ trợ nhiều hơn cho việc quảng bá của doanh nghiệp. Một số mạng xã hội trong nước như Zing Me còn cung cấp thêm chức năng khá mới lạ như: tạo hình nền cho fan page hay công cụ tùy chỉnh bố cục fan page theo ý đồ của người quản lý nhằm tăng cường độ nhận diện thương hiệu cho các nhãn hàng.

Bà Mai Ngọc Hà – chuyên viên truyền thông xã hội của Golden Digital - đơn vị chuyên tư vấn các giải pháp tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) chia sẻ: "Những bổ sung mới về giao diện, công cụ thống kê trên Zing Me giúp chúng tôi thuận tiện hơn trong quá trình xây dựng và phát triển các hoạt động cộng đồng cho khách hàng của mình. Các chủ trang có thể  theo dõi, phân tích các hoạt động, sự tương tác của người dùng với trang hàng ngày để từ đó có các phương án tối ưu hóa hiệu quả hoạt động".

Không chỉ có vậy, với sự phát triển của web 2.0 và xu hướng nền tảng mở, mạng xã hội còn tích hợp sẵn nhiều công cụ khác mà các nhãn hàng có tận dụng để tổ chức các sự kiện online nhằm tăng tường độ gắn kết giữa khách hàng và doanh nghiệp: ứng dụng quay số trúng thưởng, ứng dụng photo, blog, link, video…

Fan page đặt biệt thích hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì chi phí không cao, thậm chí là miễn phí nếu doanh nghiệp biết cách khai thác. Việc đầu tư chăm sóc và duy trì hoạt động cho fan page cũng không quá phức tạp và tốn thời gian. Nếu doanh nghiệp hạn chế về mặt nguồn lực thì chỉ cần một nhân sự đầu tư trung bình từ 2-3 giờ/ngày cho các hoạt động tương tác, chia sẻ thông tin trên fan page. Thông qua fan page, doanh nghiệp có thể thông tin, tiếp thị sản phẩm của mình, thậm chí nhiều cá nhân, shop bán lẻ còn trực tiếp bán hàng và thu được nhiều kết quả ngoài mong đợi.
 
Tiếp thị trên mạng xã hội ở Việt Nam: Lý thuyết xám?
Za Shop – một trong các shop bán hàng trực tuyến đang tiếp thị sản phẩm đến người dùng của Zing Me.

Nhưng cũng chỉ là lý thuyết màu xám?

Trên thực tế, thị trường quảng cáo trên mạng xã hội ở Việt Nam vẫn chưa có đột phá nào nổi bật. Theo thống kê của Vinalink, chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội. Đây là con số còn quá khiêm tốn so với một thị trường chủ yếu là người tiêu dùng trẻ - đối tượng thường xuyên sử dụng mạng xã hội như Việt Nam.

Bên cạnh đó, tầm nhìn dài hạn cho chiến lược sử dụng mạng xã hội để quảng bá của các doanh nghiệp cũng là điều đáng bàn. Dù trong năm qua, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động dành một phần ngân sách truyền thông tiếp thị cho các hoạt động trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc đầu tư này cũng khá dè dặt, mới chỉ tập trung sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông cho các chiến dịch tiếp thị mang tính thời điểm, ngắn hạn chứ chưa biết khai thác triệt để thế mạnh của kênh này. Chỉ có một số ít các doanh nghiệp Việt Nam như Megastar, Coca Cola Việt Nam, Converse Việt Nam… chú trọng vấn đề này.
 
Tiếp thị trên mạng xã hội ở Việt Nam: Lý thuyết xám?
Fan page của Nestle trên Facebook

Một vấn đề khác nữa là doanh nghiệp vẫn còn giữ tư duy truyền thống khi truyền thông, quảng bá trên mạng xã hội. Theo T&A Ogilvy Việt Nam thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang cố kiểm soát những phát ngôn từ phía cộng đồng hay tìm kiếm hiệu quả tức thời ở doanh số bán thay vì tạo ra đối thoại mở, lắng nghe và tiếp nhận. Thật ra, cần phải hiểu rằng, mạng xã hội không phải là công cụ bán hàng mà là công cụ xây dựng thương hiệu. Lợi nhuận của nó mang lại là lâu dài và bền vững.

Vấn đề thứ ba rơi vào việc chọn kênh mạng xã hội nào làm kênh quảng bá. Lâu nay, xu thế các doanh nghiệp Việt sử dụng mạng xã hội mang tính chất “phong trào” nhiều hơn là có cân nhắc rõ ràng về hiệu quả và có chiến lược rõ ràng khi chọn kênh. Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần VNG, phụ trách mạng xã hội Zing Me cho biết: “Có 3 vấn đề mà các doanh nghiệp cần quan tâm khi chọn mạng xã hội làm kênh truyền thông quảng bá: số lượng người dùng lớn, sự phù hợp giữa tập khách hàng của mạng xã hội với đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp và mạng xã hội có chương trình hỗ trợ, tư vấn dành các doanh nghiệp”.

Ở Việt Nam hiện nay, tập trung khá nhiều mạng xã hội quốc tế như Facebook, Twitter, LinkedIn…lẫn mạng xã hội địa phương như Zing Me, go.vn, Cab.vn... Mỗi mạng kiểu xã hội đều có lợi thế riêng và doanh nghiệp cần phải nắm rõ những ưu điểm ấy để đưa ra quyết định hợp lý.
 
PV