Tiếp cận vốn: Khó người, dễ ta?

Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp về chính sách tiền tệ với việc liên tục điều chỉnh hạ trần lãi suất huy động từ đầu năm đến nay. Thế nhưng, đến nay câu chuyện tiếp cận nguồn vốn và lãi suất vay ngân hàng của doanh nghiệp vẫn nóng bỏng.

ACB là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân .
Giao dịch tại ACB
 
Thực trạng khó khăn chung của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là không tiếp cận được vốn, tình trạng chiếm dụng vốn diễn ra phổ biến, hàng tồn kho vẫn ở mức cao dù đã có những dấu hiệu giảm đáng kể. Ngay cả những lĩnh vực cho vay ưu tiên như lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng gặp khó do khách hàng vay không đủ điều kiện để ngân hàng xét cho vay.

Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp hoặc thu hẹp hoặc ngưng sản xuất hoặc phá sản. Theo báo cáo về tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2012 của Tổng cục Thống kê đã có hơn 17.700 đơn vị đăng ký giải thể hoặc dừng hoạt động. Tính chung, 4 tháng đầu năm nay số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản tăng 9,5% so với cùng kỳ 2011.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có những phản ứng liên tục, kịp thời về điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp. Nổi bật là 4 lần điều chỉnh hạ trần lãi suất huy động từ đầu năm đến nay (3 lần giảm 1% và 1 lần 2%). Đồng thời, 4 lĩnh vực ưu tiên được hưởng lãi suất trần cho vay 13%/năm từ trung tuần tháng 6/2012.

Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn cho rằng việc tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng vẫn đang rất nan giải, chứ chưa nói đến chuyện được hưởng lãi suất thấp do vốn đầu vào đã giảm. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mà nó còn phản ánh hiệu quả từ điều hành chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận rằng thực tế sẽ có độ trễ nhất định giữa lãi suất đầu ra so với lãi suất đầu vào đã giảm, ước tính khoảng 3 tháng. Bởi lý do là ngân hàng, bản chất cũng là một doanh nghiệp phải có thời gian “trộn” giữa nguồn vốn mới và vốn cũ vay trước đó.

Khi lãi suất cho vay thực giảm thì ngân hàng cũng không thể liều cho doanh nghiệp vay được, bởi ngân hàng cũng chỉ là người đứng trung gian nhận tiền của người gửi và cho vay để lấy lãi.

Anh Lưu Tuấn Phong, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cấp các loại máy móc trong ngành đồ hộp đóng trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn về vốn nếu không đáp ứng được các điều kiện của tổ chức tín dụng đưa ra. “Nếu doanh nghiệp không có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, không có hoặc không đủ tài sản đảm bảo, tình hình tài chính không minh bạch thì việc lãi suất giảm cũng không có ích lợi nhiều với nhóm đối tượng này”.

Giám đốc Tài chính của doanh nghiệp này, chị Lê Phương Linh, cho hay công ty vẫn vay được vốn ngân hàng với lãi suất hấp dẫn để hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Ngoài việc chứng minh được kế hoạch kinh doanh, trả nợ, thì yếu tố nữa là doanh nghiệp cần có sự quan hệ thân thiết với nhà băng”, chị Linh nói. “Qua gần 10 năm hình thành và phát triển, Công ty chúng tôi đã khẳng định được uy tín và sự tín nhiệm về khả năng thu hồi vốn, tài chính an toàn với một chi nhánh của Ngân hàng Á Châu (ACB) mà chúng tôi hợp tác từ ngày đầu thành lập”.

“Vì vậy, việc tiếp cận và vay vốn ngân hàng hiện nay có thể nó là dễ ta, khó người như với công ty chúng tôi, và ngược lại dễ người, khó ta với những doanh nghiệp chưa tạo được sự tin cậy với ngân hàng”, anh Phong cho hay.

Chính vì thế, ở một góc độ khác cũng cần phải nói rằng, sự sống còn của doanh nghiệp không phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn ngân hàng. Xét về tỷ trọng vốn vay ngân hàng trên tống số vốn của doanh nghiệp không nhiều. Bởi ngoài kênh ngân hàng và tài chính, doanh nghiệp có thể dẫn vốn từ phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu, huy động vốn góp.

Về nguồn vốn ngân hàng, thì vừa qua hàng loạt các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều gói giải pháp tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất. Bởi trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng cũng xác định rằng doanh nghiệp tồn tại thì ngân hàng cũng mới sống được.

Cũng như nhiều nhà băng khác để khơi thông nguồn vốn trên thị trường, hỗ trợ và gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp, Ngân hàng ACB mới đây đã triển khai Chương trình “Đối tác tin cậy - Gắn bó dài lâu”. Mục tiêu của Chương trình là hướng đến khách hàng doanh nghiệp đang giao dịch tại ACB và các đối tác liên kết của ACB với thông điệp xuyên suốt là xây dựng và phát triển mối quan hệ dài lâu với khách hàng, đối tác.

Nhật Anh