1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tiếp cận ESG: Bắt đầu từ đâu, làm sao tối đa hiệu quả nguồn lực?

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tiếp cận và nhanh chóng áp dụng ESG. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn băn khoăn, chưa rõ nên bắt đầu từ đâu, và hiểu rõ lợi ích thực sự của ESG.

ESG không phải là những yêu cầu ngoài tầm với

ESG là một tổ hợp các tiêu chí về môi trường (Environmental) - xã hội (Social) - quản trị (Governance), trong thời gian gần đây được học thuật hóa và thống nhất hóa thành một hệ tiêu chuẩn.

Tuy vậy, bản chất từng thành tố của ESG không có gì mới mẻ vượt trội, cũng không phải những yêu cầu cao cấp ngoài tầm với so với các hoạt động sản xuất kinh doanh thường ngày của doanh nghiệp.

Ví dụ như các đơn vị tuân theo các luật môi trường về xả thải, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo môi trường làm việc, chính sách chăm sóc công nhân viên hay đóng góp cho cộng đồng, minh bạch với cổ đông về các hoạt động quản trị tránh thao túng, tham nhũng, hối lộ.

Thế nhưng bằng cách đóng gói vào một bao bì tổng thể hơn vô hình chung đã gây ra một số rào cản không đáng có trong việc nâng cao thực hành kinh doanh bền vững.

Đơn cử như tâm lý lạ lẫm với vô vàn các định nghĩa mới, nhưng bản chất cũng không phải là kiến thức mới, tâm lý lạ lẫm này ngăn cả các doanh nghiệp tiếp cận để hiểu rõ hơn về bản chất của ESG.

Tiếp cận ESG: Bắt đầu từ đâu, làm sao tối đa hiệu quả nguồn lực? - 1

Các doanh nghiệp cần nắm rõ bản chất của ESG (Ảnh minh họa: SBV).

Hoặc kể như sự áp dụng máy móc do chạy theo những đề mục liệt kê thay vì tiếp cận ESG một cách thực tiễn cho doanh nghiệp của mình.

ESG thường được nhìn với hai quan điểm tương đối khác nhau. Ở một góc nhìn, đó là giá trị tốt đẹp hướng tới sự minh bạch, công bằng trong quản trị, cũng như đề cao đạo đức kinh doanh và đóng góp tích cực cho môi trường, xã hội.

Ở một góc nhìn khác, ESG dễ dàng bị lợi dụng để "tẩy xanh", dẫn đến góc nhìn ESG là mang tính hình thức, không thực sự có giá trị và là một yếu tố phiền phức làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Nhưng thực sự vấn đề sẽ không phức tạp như vậy nếu ta xét kỹ bản chất ESG là gì. ESG là một công cụ, và việc sử dụng công cụ sao cho hiệu quả sẽ phụ thuộc vào sự thông thái của người dùng.

Doanh nghiệp nên tiếp cận ESG thế nào?

Để tối ưu nguồn lực và đạt kết quả tối đa, chiến lược hoạt động ESG không khác và không nằm ngoài phạm vi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy, với những chủ doanh nghiệp thông thái đã luôn chèo lái con tàu qua nhiều cơn sóng cả, ESG không thể làm khó họ với những kinh nghiệm thương trường dày dặn mà họ đang có.

Tuy nhiên sẽ chẳng có gì tự nhiên diễn ra nếu không có đòn bẩy; tập trung sức lực thành lập một định hướng chiến lược có tính dài hạn và có tính tự cải thiện ngay từ ban đầu sẽ tự động hóa các hoạt động về sau và tiến trình lồng ghép sẽ ngày càng nhuần nhuyễn.

Thứ nhất là rà soát và tổng hợp: Xác định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang ở mức "bền vững" nào. Doanh nghiệp đang thực hiện những hành động gì để hàng ngày cải thiện môi trường làm việc, nâng cao năng suất, tiết kiệm tài nguyên, cũng như đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.

Tiếp cận ESG: Bắt đầu từ đâu, làm sao tối đa hiệu quả nguồn lực? - 2

Khi thực hiện ESG, các doanh nghiệp cần đặt mục tiêu phù hợp.

Thứ hai là đặt mục tiêu phù hợp: Mục tiêu của doanh nghiệp muốn đẩy mạnh những tiêu chí nào trong ba nhóm E, S, G? Việc cố gắng làm tốt toàn bộ các nhóm tiêu chí cùng lúc sẽ không được khuyến khích và có thể gây ra phản ứng ngược.

Ví dụ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nặng sẽ tập trung hơn nữa vào giảm tác động tiêu cực tới môi trường, cải thiện thêm môi trường làm việc cho công nhân. Doanh nghiệp bất động sản tập trung xanh hóa các sản phẩm của mình. Doanh nghiệp bán lẻ tập trung xanh hóa chuỗi vận chuyển.

Thứ ba là sau khi rà soát và đặt mục tiêu chiến lược, bắt đầu thực hành theo thứ tự ưu tiên từng bước một. Và đồng thời đưa ra những hệ thống đánh giá phù hợp để doanh nghiệp nắm được hiệu quả của chiến lược, từ đó cải thiện cho những bước tiếp theo.

Trong toàn bộ quá trình ba bước này, doanh nghiệp có thể lựa chọn sự hỗ trợ của một đơn vị tư vấn ESG để đồng hành và đưa ra những cách thức phù hợp.

Mục đích của quá trình này là giúp doanh nghiệp ghi nhận những giá trị sẵn có để từ đó phát huy, cũng như nhìn nhận lại những hạn chế để dần cải thiện, và nó cho phép doanh nghiệp thực hiện phát triển kinh doanh bền vững ở một tầm cao và toàn diện hơn.

Có cần sự trợ giúp của tư vấn?

Không ai hiểu rõ hoạt động kinh doanh của mình hơn chính bản thân doanh nghiệp, việc thuê các chuyên gia tư vấn ESG là cần thiết nhưng họ không thế thay thế doanh nghiệp đưa ra một chiến lược phù hợp.

Vai trò đúng hơn của họ ở đây là giúp doanh nghiệp phát huy những thế mạnh đã thực hiện, sau đó lồng ghép những hoạt động trong khả năng của doanh nghiệp trong ngắn, trung và dài hạn và để cuối cùng đưa ra một bản chiến lược bền vững tổng thể và bao trùm hơn.

Nếu doanh nghiệp giao hết trách nhiệm cho một bên tư vấn ESG, nhiều khả năng doanh nghiệp có thể sẽ nhận được những bản kế hoạch chưa được tối ưu hóa cho chính mình.

Trong một số trường hợp có thể là sự máy móc, dập khuôn theo các "tiêu chuẩn" mà chưa được xem xét yếu tố áp dụng thích nghi, làm cho doanh nghiệp có xu hướng nghĩ rằng ESG chưa sát với thực tế và phiền phức khi thực hiện.

Có cần theo chuẩn quốc tế?

Như đã nói, ESG là tập hợp định nghĩa mới hình thành, và tới nay chưa có một chuẩn nào được áp dụng trên diện rộng.

Có thể kể đến một số hệ thống có tính quốc tế và đang dần phổ biến như Global Reporting Initiative (GRI), Sustainability Accounting Standards Board (SASB) cho ngành tài chính, Corporate Sustainability Reporting Directive (CSRD) của EU, GRESB (Global Real Estate Sustainability Benchmark) cho ngành bất động sản, và còn rất nhiều tiêu chuẩn khác nữa.

Vậy, doanh nghiệp làm sao để định hướng mình trong danh sách dài các "chuẩn ESG" này? Doanh nghiệp cần quay lại chiến lược của mình, mục đích thực hành ESG là gì?

Tất nhiên ngoài việc duy trì sức khỏe của hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp còn có những mục đích khác, có thể là tiếp cận tài chính xanh, hoặc chứng minh cam kết với khách hàng và nhà đầu tư, hoặc để thỏa mãn các yêu cầu xanh hóa chuỗi cung ứng của các thị trường lớn.

Như vậy, tùy thuộc vào mục đích hướng tới, doanh nghiệp sẽ chọn bộ tiêu chuẩn phù hợp nhất với mình. Ví dụ như doanh nghiệp bất động sản sẽ nên áp dụng GRESB hơn là dùng GRI hay SASB. Những chứng chỉ này sẽ có giá trị để chứng minh những cam kết bằng hành động của doanh nghiệp, tuy nhiên cũng không nên được nâng tầm vượt quá giá trị thật của nó.

Các doanh nghiệp vẫn luôn đề cao đạo đức kinh doanh cùng uy tín tích lũy là điều cốt lõi để phát triển lâu dài, và đó đâu phải là câu chuyện kể ra trong một quý hay một năm, mà là câu chuyện thế hệ của doanh nghiệp. Có thể xem ESG như một tấm áo mới được may đo vừa vặn cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp thêm phần tự tin khi bước vào môi trường cạnh tranh toàn cầu.  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm