Tiền vào ngân hàng đã chậm lại

(Dân trí) - Tháng 8 đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán so với những tháng trước đó, thị trường vàng cũng có nhiều đợt sóng giúp nhà đầu tư kiếm lời… nên lượng tiền gửi vào các ngân hàng đã chậm lại.

Thấp nhất trong 5 tháng qua

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong tháng 8/2008 ước tăng 0,94% so với tháng 7 (cao hơn mức tăng 0,28% của cùng kỳ năm trước) nhưng thấp hơn mức tăng 1,47% của tháng trước đó.

Trong đó, số dư tiền gửi VND ước tăng 1,14% và số dư tiền gửi ngoại tệ ước tăng 0,37%. So với cuối năm 2007, tổng số dư tiền gửi ước tăng 10,62%.

Với những con số trên có thể thấy, lượng vốn gửi vào ngân hàng trong tháng 8 vừa qua đã tăng chậm lại và đây cũng là tháng có mức tăng thấp nhất trong vòng 5 tháng gần đây.

Điểm lại khả năng huy động vốn của các ngân hàng có thể thấy tháng 6 là thời điểm tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng có mức tăng đột biến lên tới 3,7% (cao nhất trong 8 tháng vừa qua và cao hơn cả tổng vốn huy động 3 tháng đầu năm).

Giới chuyên gia tài chính cho hay: Việc ngân hàng giảm số dư tiền gửi trong hệ thống là điều tất yếu, bởi một lượng tiền khá lớn được nhà đầu tư rút ra để bỏ vào chứng khoán, vàng. Đó là chưa kể tới thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên, giá căn hộ tại một số chung cư xây mới đã tăng thêm khoảng 1 triệu đồng/m2 vào những ngày cuối tháng 8, điển hình như khu Việt Hưng…

Tuy nhiên, khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng trong tháng 8 đã được cải thiện, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm ở hầu hết các kỳ hạn (mức giảm từ 0,79 - 2,89%/năm), trong đó mức lãi suất cao nhất hiện nay là 18,97%/năm (kỳ hạn 3 tháng).

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng cũng có xu hướng giảm, đặc biệt, lãi suất huy động và cho vay bằng USD có xu hướng giảm mạnh hơn.

Lãi suất huy động giảm từ 0,05 - 0,9%/năm đối với VND và từ 0,1 - 0,5%/năm đối với USD; lãi suất cho vay giảm từ 0,2 - 1%/năm đối với VND và từ 0,5 - 1,3%/năm đối với USD.

Nới hoạt động giải ngân

Vào những ngày đầu tháng 9 này, thị trường tiền tệ có vẻ “thông thoáng” hơn, khi một số ngân hàng bắt đầu nới dần hoạt động giải ngân, hoạt động cho vay chứng khoán.

Theo công bố từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), kể từ ngày 1/9, ngân hàng này chính thức triển khai sản phẩm “Cho vay chứng khoán - CK300” nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các nhà đầu tư chứng khoán. Một khách hàng có cơ hội vay tối đa là 5 tỷ đồng với thời hạn tối đa 2 tháng.

Theo lý giải của Sacombank, “nền kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, lạm phát đã có dấu hiệu giảm dần, thị trường chứng khoán hồi phục trở lại chính là cơ hội tốt cho nhu cầu đầu tư và nhu cầu đi vay cầm cố chứng khoán của các nhà đầu tư”.

Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) quyết định dành khoảng 3.000 tỷ đồng trong cơ cấu nguồn vốn của mình để phát triển tín dụng trong tháng 9. Mục đích chính của đợt giải ngân này là nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu đang có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Không phát triển các sản phẩm cho vay, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIBBank) lại đưa sản phầm “Bảo lãnh cá nhân trong nước” tới các khách hàng là cá nhân, hộ kinh doanh cá thể trong nước. Sản phầm này cung cấp cho khách hàng (bên được bảo lãnh) một loại hình dịch vụ bảo lãnh chuyên nghiệp theo yêu cầu của bên thứ ba (bên nhận bảo lãnh) trong các giao dịch kinh tế - thương mại của khách hàng…

Như vậy, lãi suất huy động và lãi suất cho vay có xu hướng giảm, việc một số ngân hàng “tung” ra thị trường các hoạt động mang tính chất giải ngân cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian tới có nhiều khả năng tăng mạnh.

Bởi theo Ngân hàng Nhà nước, so với cuối năm 2007, dư nợ cho vay nền kinh tế hiện ước chỉ tăng 16,78%. Cụ thể, dư nợ cho vay nền kinh tế tháng 8 ước tăng 0,79% so với tháng trước; trong đó, dư nợ cho vay bằng VND ước tăng 0,97% và dư nợ cho vay bằng ngoại tệ ước tăng 0,19%.

Nguyễn Hiền