“Tiến thoái lưỡng nan” gói kích cầu thứ 2

(Dân trí) - Với nỗi lo lạm phát trở lại và có thể bùng phát dữ dội, đã có nhiều ý kiến “bàn lùi” về gói kích cầu thứ 2 (chỉ cần “kích” đến hết năm 2009 là đủ). Tuy nhiên hiện nhiều chuyên gia lại có chung nhận định không nên quá lo ngại về lạm phát.

“Tiến thoái lưỡng nan” gói kích cầu thứ 2 - 1
Lạm phát không phải lúc nào cũng tiêu cực.
 
Tiếp tục hay dừng lại?

Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất ngắn hạn sẽ kết thúc. Chính phủ có tiếp tục gói này trong năm 2010 hay không đang còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Trong cuộc họp của Hội đồng Tài chính tiền tệ giữa tháng 8 vừa qua, chỉ có khoảng 3 trong số 15 thành viên bỏ phiếu tán thành cho việc tiếp tục kích cầu ngắn hạn.

“Vắt óc” thế nào để tìm ra những giải pháp để các gói kích cầu đạt hiệu quả cao nhất đang là một câu hỏi quá khó. Vì theo Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy, chúng ta không thể nào tính hết được những yếu tố không mong muốn.

“Những ứng phó vừa qua, về cơ bản là thành công nhưng cũng không tránh khỏi khiếm khuyết và tác động phụ - những tác động chưa được lường trước hoặc đã lường trước nhưng chưa khắc phục được” - ông Thúy cho hay.

Rõ ràng, gói kích cầu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ rơi vào tình huống khá éo le là kích tiếp cũng nguy hiểm mà không kích tiếp cũng nguy hiểm. TS. Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng nếu dừng lại quá sớm, nền kinh tế chưa kịp đi lên thì lại sẽ có nguy cơ đi xuống.

Chia sẻ về tình thế tiến tiếp hay dừng lại kích cầu, ông Nick Freeman, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét: Kinh tế Việt Nam đã bắt đầu được cải thiện từ quý II/2009 và đã qua giai đoạn “đáy”, song có thể Việt Nam vẫn phải mất nhiều thời gian để lấy lại đà tăng trưởng.

Điều này khiến dự đoán về thời điểm kết thúc gói kích thích kinh tế càng trở nên khó khăn. Nếu dừng quá sớm, kinh tế có thể suy thoái trở lại giống như thời điểm quý IV/2008 nhưng nếu dừng quá muộn thì kinh tế có thể trở nên quá nóng với tỷ lệ lạm phát cao”.

Nên kích vì lạm phát không đáng lo!

Một cách lạc quan, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định: “Chính phủ chắc chưa điều chỉnh gói kích cầu mà vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách kích cầu thôi. Vì Chính phủ phải đảm bảo uy tín của mình trước những tuyên bố với cộng đồng doanh nghiệp, với Quốc hội, với người dân”.

Ông Nghĩa cũng bày tỏ quan điểm không tán thành với một số người cho rằng việc tiếp tục kích thích kinh tế là không cần thiết. Không phải cứ dừng kích cầu thì sẽ tránh được rủi ro mà thậm chí ngược lại. Vẫn phải kích nhưng cần làm tốt công tác dự báo lạm phát.

Về vấn đề lạm phát, theo TS Trần Hoàng Ngân, đúng là có lo lắng về lạm phát nhưng giai đoạn này đừng quá lo lắng. Lạm phát nhẹ ở Việt Nam trong 8 tháng qua thậm chí không đáng lo ngại mà còn là cần thiết. Nó là chất dầu để bôi trơn, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy cũng cho rằng nguy cơ tái lạm phát là có thật và phải rất cảnh giác. Tuy nhiên với tình trạng kinh tế của Việt Nam thì khả năng lạm phát tăng cao ngay chỉ bởi các chính sách hỗ trợ trong khuôn khổ gói kích cầu như một số lo lắng là không đáng lo ngại.

“Không nên “thổi phồng” sự lo ngại đó để mà quên đi hoặc không tính đến những nhu cầu khác trong chính sách kích cầu của hỗ trợ của Chính phủ” - ông Thúy khuyến nghị.

Đoàn Trần