Tiền gửi trong ngân hàng có an toàn không?
(Dân trí) - Câu trả lời chắc chắn là “Có”. Vậy tại sao lại xảy ra một số vụ mất tiền trong tài khoản của khách gửi tiết kiệm như vừa qua?
Các quy định pháp lý về giao dịch tiền gửi tiết kiệm
Đối với hoạt động nhận, rút tiền gửi tiết kiệm, các văn bản pháp lý hiện hành là Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định 1160/2014 của Ngân hàng Nhà nước (gọi tắt là Quy chế), Quyết định số 47/2006 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định 1160/2014.
Theo đó về địa điểm nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm cho phép có thể diễn ra tại trụ sở ngân hàng hoặc ngoài ngân hàng, miễn là đáp ứng được các điều kiện theo quy định.
Về thủ tục nhận, rút tiền gửi tiết kiệm cũng đã được quy định rõ. Đối với khách hàng lần đầu tiên thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm, khách hàng cần đến trực tiếp thực hiện giao dịch theo quy chế tiền gửi tiết kiệm và xuất trình giấy bắt buộc: giấy xác nhận thông tin cá nhân của chủ tài khoản hoặc của người đại diện (trường hợp cá nhân gửi tiền thông qua người đại diện). Nếu gửi tiền tiết kiệm chung thì phải xuất giấy chứng minh thông tin các cá nhân đứng tên trên thẻ tiết kiệm và văn bản thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của cá nhân cùng đứng tên chung.
Khi khách hàng có nhu cầu rút tiền, ngân hàng phải bảo đảm hồ sơ rút tiền có ít nhất 4 yếu tố hợp lệ, khớp đúng là: chủ thẻ tiết kiệm, chữ ký của chủ thẻ, thẻ tiết kiệm và giấy tờ tùy thân của người rút tiền, đặc biệt là với các khoản tiền lớn hàng tỷ đồng trở lên.
Trong trường hợp rút tiền gửi tiết kiệm theo ủy quyền, điều 16 Quy chế cũng quy định rõ: “Tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định các yếu tố cần thiết của giấy ủy quyền để đảm bảo lợi ích của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm và phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan. Sau khi kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của giấy ủy quyền, tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm căn cứ vào nội dung ủy quyền để thực hiện việc chi trả tiền gửi tiết kiệm”.
Như vậy, việc rút tiền trong trường hợp này thực hiện theo quy định nội bộ của ngân hàng song vẫn phải đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Rủi ro từ đâu?
Trong một số vụ việc xảy ra gần đây liên quan đến các giao dịch tiền gửi, có thể thấy mặc dù các quy trình, quy định được ban hành khá đầy đủ song đã bị những người thực thi (khách hàng và cán bộ ngân hàng) bỏ qua.
Ví dụ như, khách hàng ký sẵn giấy ủy quyền giao dịch cho người khác hoặc chỉ giao dịch duy nhất với một người. Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế - thông thường đến nhà riêng khách hàng phải có ít nhất 3 người bao gồm 1 thủ quỹ, 1 nhân viên giao dịch và 1 người bảo vệ (công an), hoặc 1 người kiểm soát hoặc trực tiếp phê duyệt.
PGS, TS. Nguyễn Văn Tiến - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam - cho rằng, về mặt nguyên tắc, tất cả ngân hàng đều không chấp nhận và luôn khuyến cáo khách hàng không được ký khống vào bất kỳ loại giấy tờ nào có liên quan đến giao dịch ngân hàng vì như vậy sẽ tạo kẽ hở cho rủi ro đạo đức phát sinh. Nếu trong trường hợp phải ủy quyền để người khác rút tiền, cần ủy quyền cho những người trong gia đình, thật sự tin tưởng.
Tăng cường quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi
Hoạt động ngân hàng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước đã thường xuyên bổ sung, ban hành các quy định nhằm hạn chế tối đa rủi ro.Về phần mình, các ngân hàng cũng đã thực hiện kiểm tra, rà soát lại công tác huy động vốn trong toàn hệ thống; Tổ chức tập huấn đào tạo về các rủi ro hoạt động; Nâng cao vai trò của cấp kiểm soát trực tiếp giao dịch để hạn chế rủi ro hoạt động; Chỉnh sửa các quy định nội bộ để tăng cường công tác quản trị rủi ro; Liên tục cập nhật tính năng mới nhằm tăng cường an ninh, an toàn đối với giao dịch tiền gửi tiết kiệm như tra cứu từ xa thông tin sổ tiết kiệm, kiểm tra sổ trực tuyến.
Về phía khách hàng, cần thực hiện đúng các nguyên tắc, thủ tục, kiểm tra đầy đủ, chính xác các giấy tờ, nội dung mà mình giao dịch với ngân hàng. Theo TS. Cấn Văn Lực, khách hàng cần bảo vệ tài sản của mình bằng việc phải quan tâm hơn đến việc theo dõi dòng tiền của mình cũng như cẩn trọng trong việc đặt bút ký hay thực hiện ủy quyền; cần phải chắc chắn về giấy ủy quyền có chữ ký của mình. Không nên bỏ trống thông tin trong giấy ủy quyền bởi đây sẽ là mối nguy hiểm cho chính họ.
Về lâu dài, khách hàng nói riêng và người dân nói chung cũng nên quan tâm hơn đến việc nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật cũng như về tài chính - ngân hàng.
An Hạ