1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Tiền gửi của dân cư vào ngân hàng thấp nhất gần 10 năm, vì sao?

Nguyễn Hiền

(Dân trí) - Số liệu mới nhất cho thấy, tiền gửi của dân cư trong tháng 7 chỉ đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ so với tháng trước đó nhưng là mức tăng thấp nhất trong gần một thập niên trở lại đây.

Dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 7, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2020.

Trong đó, tăng trưởng tiền gửi của dân cư chỉ là 2,97% (đạt 5,294 triệu tỷ đồng) và tăng trưởng của các tổ chức kinh tế là 4,25% so với đầu năm (đạt 5,085 triệu tỷ đồng).

Còn theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến thời điểm 20/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,95% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,58%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,28% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,48%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,99%).

Như vậy, trong khi tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đã đạt 7,17% thì con số tăng trưởng huy động chỉ ở mức khiêm tốn 4,28%, giảm mạnh so với mức 7,48% cùng kỳ.

Trong khi đó, kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (riêng quý III tăng 7%); trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%.

Tiền gửi của dân cư vào ngân hàng thấp nhất gần 10 năm, vì sao? - 1

Tăng trưởng tiền gửi của dân cư trong 7 tháng đầu năm nay đạt mức tăng thấp nhất trong gần một thập niên trở lại đây (Ảnh minh họa: Quốc Chính).

Cũng theo báo cáo, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán 9 tháng năm nay ước tính đạt 292,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 24.042 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020.

Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 10.948 tỷ đồng/phiên, tăng 5,3%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh, đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 207.171 hợp đồng/phiên, tăng 32%; đối với sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, khối lượng đạt 18,78 triệu chứng quyền/phiên, tăng 59%.

Trở lại với dữ liệu do NHNN công bố, mức tăng trưởng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tính đến tháng 7 vừa qua thấp hơn nhiều so với 5,2% tiền gửi của dân cư và 4,44% tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng trong 7 tháng đầu năm 2020. Năm 2019, tăng trưởng tiền gửi của 2 nhóm khách hàng này lần lượt là 7,64% và 5,89% trong 7 tháng đầu năm.

Và dù có tăng nhẹ so với tháng 6 nhưng mức tăng trưởng tiền gửi của dân cư trong 7 tháng đầu năm nay cũng là mức tăng thấp nhất trong gần một thập niên trở lại đây.

Lãi suất tiền gửi ngân hàng ở vùng thấp được cho là một phần nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn như chứng khoán, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp...

9 tháng đầu năm nay, lãi suất tiết kiệm đã giảm khoảng 6 - 20 điểm cơ bản cho kỳ hạn 12 tháng. Khảo sát biểu lãi suất tại quầy, kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ tại 30 ngân hàng cho thấy, lãi suất tiết kiệm cao nhất được niêm yết chỉ còn 6,99%/năm. Trong khi các tháng trước đều duy trì trên 7%.

Các ngân hàng cũng cho biết nhu cầu gửi tiền trong quý III đã giảm mạnh. Trong quý III vừa qua, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức thấp và đã giảm so với quý trước.

Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của hệ thống IV mà NHNN vừa thực hiện, các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi trở lại trong quý IV nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,6% trong quý IV và tăng 10,4% trong năm nay, điều chỉnh giảm so với mức kỳ vọng 11,9% tại kỳ điều tra trước. Dự báo năm 2022, huy động vốn của toàn hệ thống TCTD tăng trưởng 12,6% (điều chỉnh giảm so với mức tăng trưởng dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước).

Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế), thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu trong 5 tháng cuối năm đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7 đến hết năm với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.

Riêng 4 NHTM Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16.