Tiền bỗng "bay" như vụ 95 triệu đồng tại ACB: Nên làm gì và lỗi tại ai?
(Dân trí) - Khi doanh nghiệp xác định tiền trong tài khoản "biến mất", luật sư Đỗ Văn Luận cho rằng các doanh nghiệp cần ngay lập tức báo với ngân hàng, sau đó mới trình báo cơ quan công an.
Như phóng viên Dân trí đưa tin, mới đây, vụ việc liên quan đến một doanh nghiệp tại TPHCM bị giả mạo con dấu, chữ ký, rút tiền bằng séc mất 95 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận.
Cụ thể, Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Riin Group (trụ sở tại TPHCM) cho biết tài khoản công ty ngày 27/2 đã bị rút 95 triệu đồng tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bằng séc với con dấu và chữ ký giả.
Vài ngày sau đó, một cá nhân tự xưng là "người rút tiền từ tấm séc" đã liên hệ qua điện thoại với công ty và đã tự nguyện hoàn trả lại toàn bộ số tiền 95 triệu đồng. Doanh nghiệp, ACB và cơ quan công an đang tiến hành điều tra, dự kiến có kết luận ngày 15/3.
Tuy nhiên, phía công ty không xác định được người chuyển tiền đó là ai, có nên sử dụng khoản tiền đó hay không. Nhiều câu hỏi khác được đặt ra rằng, khi tiền trong tài khoản doanh nghiệp bỗng "bốc hơi", điều đầu tiên doanh nghiệp nên thực hiện là gì? Tiền trong tài khoản ngân hàng mất, trách nhiệm thuộc về ngân hàng hay doanh nghiệp?...
Luật sư Đỗ Văn Luận, Giám đốc Công ty Luật Lập Phương, Đoàn luật sư TPHCM, chia sẻ, tư vấn các doanh nghiệp về việc nên hay không sử dụng khoản tiền được hoàn trả, cách bảo vệ tài khoản và các bước cần làm khi có sự cố xảy ra.
Tiền bị mất rồi bỗng được trả lại khi đang điều tra sự việc, doanh nghiệp có được phép sử dụng?
- Tôi cho rằng với số tiền bị chiếm đoạt là 95 triệu đồng, mặc dù doanh nghiệp đã được chuyển lại trong quá trình đang điều tra thì đây chỉ được coi như tình tiết giảm nhẹ chứ không phải tình tiết đình chỉ vụ án.
Vì rõ ràng người thực hiện hành vi sai phạm đã có ý định chiếm đoạt và đã chiếm đoạt. Việc tiền được trả lại chỉ được coi như tình tiết giảm nhẹ.
Nếu doanh nghiệp đã làm đơn tố cáo và nhận được số tiền đó trong quá trình điều tra, thì doanh nghiệp không nên sử dụng số tiền đó. Bởi cũng không thể xác định rõ số tiền đó có phải do người chiếm đoạt trả lại hay không, hay số tiền này lại nằm trong một sự vụ lừa đảo khác.
Trường hợp này, doanh nghiệp cần báo cho cơ quan cảnh sát điều tra và chờ kết luận điều tra cụ thể, làm rõ "nguồn gốc" số tiền đó trước khi tính đến việc sử dụng.
Quy trách nhiệm ra sao với sự vụ như trên?
- Mỗi trường hợp sẽ có một tình huống cụ thể, do từng trường hợp thì vai trò và trách nhiệm sẽ khác nhau. Trách nhiệm sẽ được quy kết ngay sau khi cơ quan công an có kết luận điều tra, xác định rõ người vi phạm thuộc về phía ngân hàng, doanh nghiệp hay một cá nhân nào khác.
Khi chưa có kết luận cụ thể, chúng ta không thể khẳng định vai trò của ngân hàng hay doanh nghiệp trong một sự vụ. Không ai có tội khi chưa có kết luận điều tra.
Nếu trong trường hợp nhân viên ngân hàng sai phạm, người nhân viên đó sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, khách hàng khi đó yêu cầu liên đới ngân hàng phải bồi thường khoản tiền đã mất. Thông thường, ngân hàng sẽ là đơn vị bồi thường.
Tuy nhiên, trong nhiều sự vụ, bản thân ngân hàng cũng là nạn nhân, còn nhân viên ngân hàng mới là người "ăn trộm".
Với trường hợp sai phạm từ phía doanh nghiệp, cụ thể là nhân viên của công ty thì đây cũng là vấn đề ngoài ý muốn của công ty. Nhân viên ăn trộm này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, và chịu trách nhiệm bồi thường số tiền đó.
Ngoài ra, để xác định vai trò thuộc về ai thì khi một doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng sẽ có một hợp đồng. Hợp đồng này sẽ quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Khi đó trách nhiệm giữa các bên cũng cần phụ thuộc vào bản hợp đồng này.
Doanh nghiệp cần làm gì khi tiền trong tài khoản bỗng "bốc hơi"?
- Việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm là báo sự vụ với ngân hàng, kiểm tra với ngân hàng xem có sai sót hay nhầm lẫn ở đâu hay không, không loại trừ khả năng thông báo lỗi từ phía ngân hàng.
Nếu xác định tiền trong tài khoản bị mất, khách hàng cần trích lục sao kê sau đó nộp đơn tố cáo đến cơ quan cảnh sát điều tra.
Với số tiền bị mất dưới 500 triệu đồng, doanh nghiệp có thể báo với cơ quan công an quận, huyện nơi có trụ sở ngân hàng, hoặc nơi xảy ra sự việc. Trong trường hợp trên 500 triệu đồng thì báo cáo lên công an tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Vụ việc mất tiền khiến nhiều chủ doanh nghiệp lo lắng về khả năng chữ ký, con dấu của mình bị giả mạo. Chủ doanh nghiệp, chủ tài khoản cần lưu ý điều gì để bảo vệ tài khoản?
- Trong vụ việc nói trên, vấn đề mấu chốt nằm ở tấm séc. Khi doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng, mẫu séc sẽ do ngân hàng cấp và đã đăng ký số seri ở ngân hàng từ trước và doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý.
Doanh nghiệp muốn rút được tiền phải sử dụng đúng mẫu séc do ngân hàng cấp. Trường hợp làm giả tấm séc là rất khó. Do đó, điều đầu tiên doanh nghiệp cần lưu ý là quản lý kỹ tấm séc do ngân hàng cấp, tránh trường hợp bị mất trộm.
Ngoài ra, khách hàng cũng cần đăng ký thông tin báo động về số dư, để kịp thời nắm bắt giao dịch và kịp thời có phương án ứng phó.
Điểm thứ ba doanh nghiệp cần lưu ý là quản lý con dấu. Trong hoạt động của công ty, không phải đơn vị nào cũng chuyên nghiệp trong công tác quản trị hành chính văn phòng. Do đó, doanh nghiệp nên phân công cho một cá nhân quản lý con dấu và quy định rõ về quyền và nghĩa vụ.
Cảm ơn luật sư.
Trước đó, như phóng viên Dân trí đưa tin, đại diện Riin Group cho biết tài khoản công ty đã bị rút 95 triệu đồng tại ACB bằng séc với con dấu và chữ ký giả.
Đại diện công ty cho biết chưa ký bất kỳ tấm séc nào và khẳng định cả con dấu và chữ ký và chữ viết trong séc đều là giả. Bên cạnh đó, Riin Group cũng hoạt động chính tại TPHCM và không có bất kỳ giao dịch, hoạt động nào tại Hà Nội.
Sau khi vụ việc xảy ra, đại diện công ty cũng đặt nhiều thắc mắc về những dấu hiệu bất thường trong vụ việc, như tại sao người rút tiền biết chính xác số dư trong tài khoản để viết séc rút hết toàn bộ tiền trong tài khoản, tại sao biết con dấu, chữ ký để giả mạo...
Đến ngày 5/3, một cá nhân đã liên hệ qua điện thoại với công ty và tự nguyện trả lại toàn bộ số tiền 95 triệu đồng .
Theo phía Riin Group, người này tự xưng là "người rút tiền từ tấm séc" và ngay lập tức, tài khoản của công ty nhận được toàn bộ số tiền nhưng nội dung chuyển khoản lại được ghi là "rút hộ tấm séc".
Phía công ty không xác định được người chuyển tiền đó là ai, người rút số tiền 95 triệu đồng và chuyển trả lại vào tài khoản có phải cùng một người hay không. Công ty này cũng không đồng ý với nội dung chuyển khoản là "rút hộ tấm séc".
"Vì đó là ngày trả lương của công ty nên chúng tôi đã gửi email đến Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) để yêu cầu họ có phản hồi về số tiền này, nếu không thì chúng tôi sẽ sử dụng số tiền đó để trả lương cho nhân viên", bà Trang chia sẻ. Tuy nhiên, đến nay, phía ACB vẫn chưa có phản hồi.