Tiềm năng xuất khẩu sang APEC và Châu Phi
(Dân trí) - Việt Nam có khả năng xuất khẩu rất nhiều các mặt hàng có chất lượng tốt sang thị trường APEC và Châu Phi; do đó, các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ được gợi ý nên sử dụng kênh thương mại điện tử để thể hiện năng lực xuất khẩu của mình.
Nằm trong khuôn khổ đề án quốc gia 191 “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005-2010”, Viện Tin học Doanh nghiệp (VCCI) đang phối hợp với Tập đoàn Alibaba và Công ty OSB triển khai chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường APEC và Châu Phi thông qua thương mại điện tử”.
Sau một thời gian triển khai, chương trình đã chọn 100 doanh nghiệp được hỗ trợ sử dụng dịch vụ thành viên cao cấp Gold Supplier trên Alibaba.com để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và qua đó tăng cường xuất khẩu đến thị trường APEC và châu Phi.
Ông Brian Wong - Giám đốc cao cấp bộ phận kinh doanh toàn cầu của Alibaba.com cho biết:“Các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam nên sử dụng kênh thương mại điện tử để thể hiện năng lực xuất khẩu của mình. Việt Nam có khả năng xuất khẩu rất nhiều các mặt hàng có chất lượng tốt, chúng tôi sẵn lòng hợp tác với các đối tác để đưa thương mại điện tử tới gần hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cho rằngt: Tiềm năng để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Đông và Châu Phi rất lớn. Điển hình như với khu vực Trung Đông, kim ngạch xuất khẩu 2 chiều trong năm 2009 đạt 2,16 tỷ USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu 1,13 tỷ USD với các mặt hàng dệt may, da giày, hải sản, gạo, cà phê, tiêu, điều… và nhập khẩu 1,03 tỷ USD chất dẻo nguyên liệu, dầu mỏ, phân bón…
Với thị trường Châu Phi, năm 2009 xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,56 tỷ USD, tăng gần 20% so với 2008, còn nhập khẩu đạt 508 triệu USD. Hiện tại, Việt Nam đã có quan hệ xuất nhập khẩu với toàn bộ 53 nước Châu Phi, cơ cấu các mặt hàng đa dạng hơn. Thị trường xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam phải kể đến là: Ai Cập, Nam Phi, Ăng-gô-la, Nigeria...
Tuy nhiên, để xuất khẩu qua các thị trường này đạt kết quả cao và lâu dài, doanh nghiệp Việt cần lưu ý đến các quy định nhập khẩu (thuế nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu, chứng từ nhập khẩu, các mặt hàng hạn chế hoặc cấm nhập khẩu); các tiêu chuẩn, kiểm nghiệm, nhãn mác, chứng nhận và phương thức thanh toán.
Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến văn hóa và phong cách kinh doanh của nước sở tại như: Thương nhân đã có visa nhập cảnh vào Israel trong hộ chiếu sẽ bị từ chối nhập cảnh vào các nước Ả-rập; Mời trà hoặc cà phê/tạo lập niềm tin trước khi giao dịch; Không nên hỏi về vợ và con gái hoặc về gia đình riêng tư; Thực hiện lễ cầu nguyện theo các giờ nhất định trong ngày…
Ngoài ra, yếu tố hồi giáo cực đoan, khủng bố, xung đột tôn giáo, bất ổn an ninh và chính trị, vấn đề hạt nhân I-ran, xung đột Palestine và Israel, lừa đảo tại Châu Phu là những rủi ro nảy sinh trong kinh doanh mà doanh nghiệp Việt cần biết.
An Hạ