Tiềm năng, thách thức của ứng dụng năng lượng sinh học trong ngành hẹp

Trường Thịnh

(Dân trí) - Năng lượng sinh học là một trong những nguồn tiềm năng giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng bền vững và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Là nước nông nghiệp nên Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sinh học.

Nhu cầu phát triển các ngành sản xuất, chăn nuôi cho thấy việc nghiên cứu để tận dụng năng lượng sinh học cho phát điện và nhiệt từ chính nguồn nguyên liệu tiềm năng của các ngành này là cấp thiết.

Do vậy, năm 2021, dự án "Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam" (BEM) đã thực hiện "Nghiên cứu ngành hẹp để tận dụng năng lượng sinh học cho phát điện và sản xuất nhiệt".

Dự án do Tổ chức Hợp tác Quốc tế GIZ phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương thực hiện, được Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức (BMWK) tài trợ, thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI). 

Tiềm năng, thách thức của ứng dụng năng lượng sinh học trong ngành hẹp - 1
Chuyên gia Carsten Linnenberg trình bày tại Hội thảo quốc tế phát triển khí sinh học tháng 10/2022 (Ảnh: GIZ).

Dựa trên kết quả phân tích sơ bộ của nhóm nghiên cứu, ba ngành có tiềm năng nhất được lựa chọn là chế biến tinh bột sắn, chăn nuôi và chế biến thịt lợn, giấy và bột giấy.

Tiềm năng, thách thức của ứng dụng năng lượng sinh học trong ngành hẹp - 2
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng khí sinh học từ chất thải ngành chăn nuôi (Ảnh: GIZ).

Cụ thể, ngành chế biến tinh bột sắn đã thành công khi sử dụng khí sinh học để sấy tinh bột sắn và bã sắn. Hầu hết các công ty chế biến tinh bột sắn được khảo sát đều lắp đặt hệ thống khí sinh học để xử lý nước thải và thu hồi khí sinh học, sau đó sử dụng khí sinh học để sấy khô sắn và bã sắn. 

Với ngành chăn nuôi và chế biến thịt lợn, sản xuất điện từ xử lý chất thải bước đầu đã có những thành công, hứa hẹn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Ngành giấy và bột giấy cũng có tiềm năng sử dụng năng lượng sinh học đáng kể nếu đảm bảo được nguồn cung có giá cả phù hợp.

Nghiên cứu chỉ ra rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sử dụng sinh khối làm nhiên liệu cho lò hơi để sản xuất ra hơi nước, còn doanh nghiệp lớn với nhu cầu hơi nước trên 50 tấn/giờ có thể sử dụng hệ thống đồng phát điện và nhiệt thông qua lò hơi và tua bin hơi nước.

Tiềm năng, thách thức của ứng dụng năng lượng sinh học trong ngành hẹp - 3
Bể khí sinh học dạng phủ bạt tại trang trại lợn ở 1 tỉnh miền bắc (Ảnh: GIZ).

Tham gia nghiên cứu, chuyên gia Carsten Linnenberg chia sẻ: "Nghiên cứu ngành hẹp của dự án BEM đã phân tích các điều kiện khung chính sách về khí sinh học tại Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị cho thấy, việc thúc đẩy sự phát triển công nghệ khí sinh học ở Việt Nam là điều cần thiết. Nếu không phát triển mạnh, Việt Nam sẽ khó thực hiện được cam kết giảm 30% lượng khí thải metan vào năm 2030".

Tuy nhiên, để năng lượng sinh học có thể trở thành nguồn năng lượng thay thế phổ biến ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. 

Một trong những hạn chế là khó khăn trong tối đa hóa dòng vốn đầu tư do thiếu cơ chế hỗ trợ cho các nhà máy điện khí sinh học nối lưới, chi phí bảo trì hệ thống cao và nguồn nhân lực không đủ.

TS. Đặng Văn Sơn - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam - chia sẻ: "Hiện nay chưa có nhà máy bột giấy nào sử dụng hoàn toàn khí sinh học để phát điện. Các nhà máy bột giấy cần có công suất từ 100.000 đến 200.000 tấn bột/năm trở lên thì mới làm phát điện được và mới có thể đủ điện cho sử dụng tại chính nhà máy. Còn thực tế, nhà máy giấy thường có công suất lò hơi 20-40 tấn/giờ nên chủ yếu là sử dụng than đá, khí hóa lỏng và sinh khối". 

Với các thuận lợi và khó khăn, phát triển năng lượng sinh học là chủ đề nóng được thảo luận trong thời gian qua tại Việt Nam.

Thông qua Hội thảo quốc tế chuyên đề phát triển khí sinh học tháng 10/2022, cùng nhiều sự kiện khác kết nối chuyên gia trong nước và quốc tế, GIZ cho hay đã, đang cùng Việt Nam nỗ lực kiến tạo các điều kiện để phát triển năng lượng sinh học, đặc biệt là các ứng dụng trong ngành hẹp như nghiên cứu để xác định các rào cản và cơ hội, thiết lập các cơ hội học tập kinh nghiệm từ thế giới, hỗ trợ các giải pháp và sáng kiến phát triển.

Tiềm năng, thách thức của ứng dụng năng lượng sinh học trong ngành hẹp - 4
Nhà máy điện khí sinh học tại Đức (Ảnh: GIZ).

TS. Lê Thị Thoa - Trưởng nhóm kỹ thuật của dự án BEM - cho biết: "Dựa trên kết quả nghiên cứu ngành hẹp, chúng tôi đã lựa chọn và hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện các nghiên cứu tiền khả thi việc tối ưu khí sinh học để phát điện và nhiệt trong chăn nuôi và chế biến tinh bột sắn.

Ngoài ra, dự án thực hiện nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ về giá mua điện khí sinh học để đề xuất lên Bộ Công Thương. Hy vọng, cơ chế sớm có để thúc đẩy các dự án khí sinh học phát điện được nối lưới và tiếp cận các nguồn đầu tư phù hợp".