Thủy sản VN muốn ra “biển lớn” phải có thương hiệu mạnh!
Người tiêu dùng trên thế giới rất ấn tượng với con tôm và cá ba sa của Việt Nam. Ông Daniel F. Fegan, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Thế giới tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương đã nhận định như vậy trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Là người của Hiệp hội Thủy sản Thế giới, có điều kiện tiếp xúc với ngành thủy sản của nhiều quốc gia, ông có nhận định gì về tiềm năng của thủy sản VN?
Tôi thật sự ấn tượng với tốc độ phát triển của ngành thủy sản VN, đặc biệt là hai sản phẩm cá ba sa và tôm, không riêng gì tôi mà nhiều người tiêu dùng khác trên thế giới đều biết đến. Điều này minh chứng người nuôi trồng thủy sản VN có đầy đủ khả năng nuôi trồng thủy sản thành công trên diện rộng hơn.
Tuy nhiên, để xây dựng một nền công nghiệp nuôi trồng thủy sản bền vững, VN nên tập trung thực hiện việc nuôi trồng các sản phẩm “sạch” để hạn chế sự ảnh hưởng của nạn bùng phát dịch bệnh đối với cơ nghiệp của người nuôi trồng. Về xuất khẩu, để sản phẩm vươn xa ra thị trường thế giới, đặc biệt trong thời điểm VN đang đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thủy sản VN cần phải có thương hiệu mạnh.
Ông nói rằng VN cần xây dựng một thương hiệu mạnh cho ngành thủy sản trên thị trường thế giới, vậy để làm được điều này nhanh nhất và hiệu quả nhất, VN nên đi theo hướng nào, thưa ông?
Xây dựng thương hiệu là vấn đề thách thức rất lớn đối với một doanh nghiệp và càng phức tạp hơn cho một quốc gia. Theo tôi, việc đầu tiên là phải xác định xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm hay thương hiệu quốc gia và mục tiêu của thương hiệu này. Ví dụ, VN muốn xây dựng thương hiệu “Con tôm VN”, sẽ có rất nhiều điểm cần lưu ý.
Chẳng hạn như sự an toàn thực phẩm, chất lượng cao, phương pháp sản xuất những sản phẩm sạch, một hương vị đặc biệt hoặc là khả năng kiểm chứng tất cả các khâu tốt... Điều tiếp theo là hãy kêu gọi tất cả những người liên quan trong ngành như: nhà xuất khẩu, trại giống, người nuôi, nhà cung cấp thức ăn... cùng nhập cuộc và hợp sức để xây dựng thương hiệu này. Tuy nhiên điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.
Một khi đã xây dựng được thương hiệu rồi, liệu giá trị của thương hiệu có được bền vững và độ tin cậy đến đâu còn phụ thuộc vào sự quản lý nghiêm ngặt để bảo đảm sự chuẩn mực và trọn vẹn của một thương hiệu. Nếu không, người tiêu dùng sẽ giảm đi sự tin cậy và thương hiệu sẽ dễ dàng bị đánh mất.
Ông có biết thương hiệu thủy sản VN hiện đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng thế giới ở mức độ nào và cụ thể là những sản phẩm nào?
Không riêng gì tôi mà người tiêu dùng trên thế giới rất ấn tượng với con tôm và cá ba sa của VN. Nếu so sánh con tôm VN với con tôm các nước khác, VN có lợi thế hơn rất nhiều từ những yếu tố khác nhau của điều kiện nuôi.
Đã có nhiều nhà xuất khẩu “tôm sạch” từ VN sang thị trường EU. VN có thể nuôi được tôm sú cỡ lớn dành cho những thị trường hàng đầu trong khi những quốc gia khác như Thái Lan và Indonesia đang chuyển đổi sang nuôi con tôm chân trắng.
Hiện nay việc nuôi thủy sản “sạch” để xuất khẩu, giữ gìn môi trường, phòng chống dịch bệnh là vấn đề VN đang đặt ra. Với kinh nghiệm của mình, ông có lời khuyên gì với người nuôi trồng thủy sản VN?
Một trong những sai phạm thường gặp nhất trong nuôi trồng thủy sản hiện nay là các quốc gia ra sức thúc đẩy số lượng “tấn” tôm hoặc cá bỏ xuống ao, mà không quan tâm đến giá cả, chất lượng hoặc tình trạng của ao. Việc gia tăng số lượng như thế sẽ không đem lại lợi nhuận mà còn dẫn đến vật nuôi bị nhiễm bệnh và môi trường bị ô nhiễm, làm giảm độ tuổi khai thác lợi nhuận của ao tôm.
Bên cạnh đó, người sản xuất cũng phải thấu hiểu nhu cầu thực của thị trường để cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, sạch, an toàn và có kiểm chứng. Bởi người tiêu dùng rất sẵn sàng chi thêm tiền để có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
Theo Người lao động