Thủy sản Việt Nam "cháy chợ" EU
Thị trường thủy sản Việt Nam, sau một thời gian gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, đã có những tín hiệu sáng sủa trở lại với lượng đơn đặt hàng từ những nhà nhập khẩu thuộc Liên minh Châu Âu (EU) tăng vọt trong gần hai tháng trở lại đây. Có doanh nghiệp đành phải từ chối đơn đặt hàng vì không thể làm xuể.
Nguyên nhân chính khiến nhu cầu thị trường EU tăng đột biến gấp nhiều lần so với trước tháng 10 là do nỗi lo ngại về dịch cúm gia cầm làm người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng thủy sản làm thực phẩm thay thế.
Động thái này khiến thị trường EU thiếu hụt một lượng lớn thực phẩm, buộc nhà nhập khẩu phải gia tăng các đơn đặt hàng từ châu á. Đồng thời, theo quy luật, vào cuối năm, các nhà nhập khẩu thường tăng cường hàng để chuẩn bị cho dịp Nô-en và Tết.
Đây không chỉ là tin vui đối với các doanh nghiệp thủy sản mà còn là tin vui đối với những người nông dân trực tiếp nuôi trồng những mặt hàng này. Theo tin mới nhất từ Cục Xúc tiến thương mại, sản lượng khai thác thủy sản trong nước tháng 11 ước đạt 160.000 tấn, tăng 4,6% so với tháng 10.
Trong khi đó, giá cá tra, cá basa và tôm đã tăng mạnh sau một thời gian dài sụt giảm. Hiện cá tra, cá basa đang được bán ở mức 11.000-13.000 đ/kg. Mức giá tôm sú nhích lên từ 15.000 đến 30.000 đ/kg (?). Rõ ràng, xuất khẩu thủy sản tăng vào những tháng cuối năm là một trong những lý do khiến thị trường thủy sản trong nước “được giá”.
Tuy nhiên, những thuận lợi của thị trường thủy sản trong thời điểm hiện nay phần nào mang tính nhất thời, chỉ là một đòn bẩy giúp các doanh nghiệp và người nuôi trông thủy sản nhanh chóng vượt qua thời điểm khó khăn.
Do vậy, nếu muốn tình hình được cải thiện tích cực và bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục giải quyết những tồn tại từ phía mình.
Theo các chuyên gia quốc tế, ngành Thủy sản Việt Nam đang đứng trước 3 thách thức lớn. Thứ nhất là lạc hậu về công nghệ nuôi trồng và chế biến mặc dù là nước đi sau. Thách thức thứ hai thuộc về giá tôm khi thời gian tới tôm sẽ không còn là mặt hàng thủy sản “đỉnh cao” như hiện nay do nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đều cố gắng tăng sản lượng của loại hàng có giá “hời” này. Thách thức thứ ba không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước nuôi trồng thủy sản đang quan tâm đó là vấn đề môi trường, hệ sinh thái bị ô nhiễm, dịch bệnh...
Thị trường cạnh tranh gay gắt sẽ đẩy ra ngoài “cuộc chơi” những doanh nghiệp không bắt kịp được công nghệ tiên tiến cũng như năng lực quản lý trại nuôi. Đây là hai yếu tố quyết định cho chất lượng sản phẩm. Vấn đề này nghe có vẻ nhàm nhưng lại là điểm yếu và đã không ít lần ngành Thủy sản Việt Nam lâm vào thế bị động.
Theo Hà Nội mới