Thuỷ điện nhỏ “tố” bị EVN ép giá

Bị cắt giảm công suất phát điện thường xuyên, è cổ gánh lãi suất cao, điện chạy ngược sang Trung Quốc… khiến nhiều chủ đầu tư các dự án thuỷ điện nhỏ và vừa ở Lào Cai và Hà Giang sống dở, chết dở.

Thuỷ điện nhỏ “tố” bị EVN ép giá
Thuỷ điện Nậm Khoá 3.
 
Ông Vũ Ngọc Cừ, phó chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết, hội đã nhận được báo cáo của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuỷ điện đang gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ.

 

Nguyên nhân chính do giá vật tư, nguyên vật liệu, nhân công, lãi suất, tỷ giá ngoại tệ tăng cao so với phương án tài chính ban đầu của các dự án thuỷ điện. Cụ thể, giá nguyên vật liệu đã tăng khoảng 30%, lãi suất tín dụng từ 13% lên 24%... trong khi đó giá bán điện thấp và giá điện để tính thuế tài nguyên nước còn chưa hợp lý. Hiện tính trung bình giá bán điện của các nhà máy sau một năm hoạt động chỉ ở mức 922 đồng/kWh, trong khi giá điện tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua của Trung Quốc năm 2011 là 6,08 cent/kWh (1.268 đồng/kWh) chênh lệch 346 đồng/kWh (37%).

 

Bà Dương Thị Lợi, giám đốc công ty cổ phần Linh Linh, chủ đầu tư nhà máy thuỷ điện Nậm Khoá 3 (Lào Cai) cho hay, các nhà máy thuỷ điện nhỏ ở Lào Cai và Hà Giang lâu nay gặp rất nhiều khó khăn, do bị buộc phải giảm công suất phát điện vào giờ cao điểm.

 

“Các doanh nghiệp đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên bộ Công thương, cục Điều tiết điện lực, EVN, tổng công ty Điện lực miền Bắc nhưng tình hình không được cải thiện. Họ thậm chí còn không thèm có ý kiến trở lại với chúng tôi”, bà Lợi nói. Một số chủ đầu tư nhà máy thuỷ điện khác cũng cho biết tương tự như vậy.

 

Song theo tổng công ty Điện lực miền Bắc, đơn vị quản lý việc cấp điện cho 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, việc phải cắt giảm công suất các nhà máy do có 12 tỉnh phía Bắc phụ thuộc hoàn toàn vào điện từ nguồn mua của Trung Quốc qua hệ thống 110kV và 220kV. Việc một số nhà máy thuỷ điện đi vào hoạt động trong thời gian qua giúp cung cấp nguồn cho các địa phương khá tốt. Tuy nhiên do lưới điện cũ nát, chưa có nguồn đầu tư nâng cấp nên mỗi khi các nhà máy đồng loạt phát điện là công suất dư thừa khiến điện chạy ngược sang Trung Quốc và công ty bị phạt.

 

Về việc nhiều nhà máy thuỷ điện nhỏ không được mua hết công suất và bị ép giá chỉ bằng 1/2 mức giá EVN bán ra, phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri nói về nguyên tắc chủ dự án thuỷ điện dưới 30MW phải đầu tư lưới điện truyền tải từ nhà máy đấu nối vào lưới.

 

“Tuy nhiên, doanh nghiệp thường dùng “quan hệ” ép các công ty điện lực đầu tư lưới điện 110kV hoặc 220kV đến tận nhà máy của họ. Ở địa phương nhiều khi họ cứ khởi công xây dựng khi chưa ký hợp đồng mua bán điện nhằm tạo sức ép buộc EVN phải mua điện. Khi các nhà máy này cùng bám vào một đường dây của EVN thì sẽ bị quá tải. Việc cắt giảm công suất chỉ kéo dài một hai tiếng/lần/ngày nên thực ra không nhiều. Chúng tôi đề nghị bộ Công thương phải phân công rõ ai là người đầu tư lưới điện truyền tải đó và trách nhiệm thuộc về ai”, ông Tri nói.

 

Theo Ngọc Lâm

SGTT