Thương mại điện tử về làm đẹp ‘thay da đổi thịt’ bất chấp Covid-19

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nhiều người tin tưởng các nền tảng thương mại điện tử về làm đẹp ở Việt Nam không chỉ bùng nổ về độ lớn mà còn “chững chạc” hơn về trải nghiệm cho người tiêu dùng, nguồn cung hàng hóa lẫn các quy định pháp lý.

Khi công nghệ lên ngôi, xu hướng mua mỹ phẩm cũng đang dần thay đổi.

Những chuyển động mới

So với việc đến đại lý ủy quyền hoặc các cửa hàng truyền thống bên ngoài để chọn mua và tư vấn, người mua mỹ phẩm ngày nay có xu hướng tìm hiểu, tham khảo kỹ hơn thông tin về sản phẩm, thành phần qua các kênh trực tuyến, đặc biệt là các trang thương mại điện tử.

“Dễ dàng truy cập Internet, đặc biệt là qua điện thoại di động đã giúp người tiêu dùng Việt Nam bắt kịp xu hướng làm đẹp mới nhất, nghiên cứu thông tin sản phẩm dễ dàng và mua sắm thuận tiện”, báo cáo “Tìm kiếm cho ngày mai” của Google nhận định.

Việc người tiêu dùng tìm đến các trang thương mại điện tử đi cùng với quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong thời gian qua. Theo đó, giá trị mỹ phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, từ khoảng 355 triệu USD vào năm 2010 lên hơn 790 triệu USD vào năm 2018, theo thống kê của statin.com. Trong đó, nước hoa, sản phẩm trang điểm và sản phẩm chăm sóc da là những mặt hàng dẫn đầu. Ngoài ra, theo trang cosmeticsdesign-asia.com, chỉ tính riêng kênh bán hàng trực tuyến, mức tăng trưởng đã đạt khoảng 80%.

Từ khi Covid-19 bắt đầu bùng phát, thị trường mỹ phẩm vẫn tăng trưởng lạc quan, nhưng đi theo hướng trực tuyến. Theo đó, sản phẩm chăm sóc cá nhân tiếp tục đóng góp lớn vào tăng trưởng của thị trường với mức tăng 14,5%. Đặc biệt, các kênh mua sắm cũng chuyển dịch mạnh, thương mại điện tử bùng nổ với mức tăng 133%.

Dù tăng trưởng ấn tượng, thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt Nam hiện vẫn đang đối diện nhiều thách thức nghiêm trọng từ hàng giả, hàng nhái tràn lan và khó kiểm soát. Nguồn hàng không chỉ sản xuất “lậu” ở trong nước mà còn nhập khẩu trái phép từ nước ngoài, đôi khi “núp bóng” dưới tên gọi là “hàng xách tay”, đưa người tiêu dùng vào “ma trận” hàng mỹ phẩm.

Đó cũng là lý do vì sao nhiều người tiêu dùng hiện nay mong muốn tìm mua được hàng chính hãng, nguồn gốc rõ ràng. Không chỉ nhu cầu từ phía người dùng thay đổi theo chiều hướng “khó tính” hơn, thị trường mỹ phẩm cũng có sự thay đổi đáng kể từ phía “nguồn cung”, với sự xuất hiện của nhiều nền tảng bán lẻ dựa vào công nghệ.

Thị trường thêm “làn gió mới”

Vào đầu tháng 10, thương hiệu mỹ phẩm toàn cầu L’Oréal và thương hiệu Innisfree (Hàn Quốc) cho biết đã chọn Sociolla, nền tảng thương mại điện tử của Social Bella, trở thành kênh phân phối chính thức cho các sản phẩm chất lượng của hãng tại Việt Nam.

“Các sản phẩm của hãng phân phối trên Sociolla đã được đăng ký đầy đủ với Bộ Y Tế Việt Nam, giúp mang đến những sản phẩm “thật 100%” và an toàn hơn cho người tiêu dùng Việt Nam. Đó là lý do khiến chúng tôi quyết định chọn Sociolla, một nền tảng thương mại điện tử làm đẹp uy tín, trở thành một phần của hệ sinh thái phân phối Innisfree”, đại diện hãng mỹ phẩm từ Hàn Quốc chia sẻ.

Nền tảng thương mại điện tử phân phối mỹ phẩm Sociolla góp mặt vào thị trường Việt trong đầu tháng 10 vừa qua. Sociolla là một trong năm đơn vị kinh doanh thuộc Social Bella (Indonesia), doanh nghiệp vừa nhận 58 triệu đô từ các quỹ đầu tư mạo hiểm để mở rộng thị trường sang khu vực Đông Nam Á.

Thương mại điện tử về làm đẹp ‘thay da đổi thịt’ bất chấp Covid-19 - 1

Tại Indonesia, bên cạnh nền tảng thương mại điện tử, Social Bella hiện có thêm cửa hàng truyền thống

Tại Indonesia, Social Bella ra đời trong bối cảnh tương tự như Việt Nam hiện nay. Đó là khi thị trường không có nhiều sản phẩm làm đẹp đến từ các nhà phân phối được ủy quyền, thiếu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và những hiểu biết về mỹ phẩm còn ở điểm sơ khai.

Bằng cách bắt tay với các nhà phân phối được ủy quyền và chủ sở hữu thương hiệu, có chứng nhận của cơ quan quản lý, nền tảng bán lẻ dựa vào công nghệ này nhanh chóng “phủ sóng” thị trường Indonesia sau thời điểm ra mắt vào năm 2016. Đây cũng là hướng đi được Social Bella đang từng bước thực hiện tại Việt Nam.

Nền tảng thương mại điện tử Sociolla chỉ là bước đi đầu tiên, Social Bella ở thị trường bản xứ còn thay đổi cách thức thị trường mỹ phẩm hoạt động, bằng cách “xoay trục” hệ sinh thái trên nền tảng Internet. Hệ sinh thái giúp người dùng hiểu biết hơn về sản phẩm mỹ phẩm, chăm sóc cá nhân, cũng như tạo điều kiện để người tiêu dùng và nhãn hàng tiến đến gần nhau hơn.

Thương mại điện tử về làm đẹp ‘thay da đổi thịt’ bất chấp Covid-19 - 2

Từ một trang thương mại điện tử, Social Bella vươn lên thành hệ sinh thái toàn diện trong lĩnh vực làm đẹp ở Indonessia. Trong ảnh là 3 nhà sáng lập Social Bella

“Social Bella sẽ giúp chúng tôi nâng cao trải nghiệm của các tín đồ làm đẹp với thế mạnh về công nghệ, hệ sinh thái bền vững và sự hiểu biết sâu sắc về thị trường”, đại diện L’Oréal chia sẻ. Hãng mỹ phẩm hàng đầu thế giới này từng chứng kiến các kênh bán hàng giả mang thương hiệu của mình lại chiếm lĩnh, trở thành nguồn cung cấp sản phẩm làm đẹp chủ lực cho thị trường Việt Nam trong nhiều năm trước.

Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường chăm sóc cá nhân và làm đẹp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, có nhiều điểm tương đồng với thị trường Indonesia với đặc điểm dân số trẻ và yêu thích công nghệ. Do đó, thị trường chăm sóc cá nhân và làm đẹp trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ thay đổi đáng kể hơn nhờ sự tham gia của những nền tảng nhiều kinh nghiệm như Social Bella.

Bên cạnh đó, thị trường “hàng xách tay” cũng dự kiến sẽ được “dọn dẹp” lại đáng kể khi những quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Nghị định 98 có hiệu lực từ ngày 15-10 vừa qua. Thái độ kiên quyết của cơ quan chức năng cũng sẽ giúp thị trường mỹ phẩm “thay da đổi thịt” trong thời gian tới.