Thương hiệu - Vấn đề sống còn của doanh nghiệp

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trương Văn Đoan, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa, nhỏ và rất nhỏ; do đó, khả năng tiếp cận thị trường bên ngoài nhìn chung còn yếu. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu đã trở thành vấn đề bức thiết của doanh nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế Richard Moore, hình ảnh thương hiệu cũng là một phần trong quá trình tạo dựng chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Ông cho rằng đây là thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm cách nâng cao uy tín và thương hiệu để tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

 

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) Trần Việt Hùng lấy ví dụ trong năm 2007, có khoảng 30.000 đơn xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam. Trong đó, đơn của doanh nghiệp Việt Nam tăng nhanh và hiện chiếm 60% tổng số đơn nộp tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài còn có sự chênh lệch - 35% nhãn hiệu đăng ký của Việt Nam so với 65% của doanh nghiệp nước ngoài.

 

Theo ông Richard Moore, một doanh nghiệp khi đã tạo được vị thế thương hiệu mạnh trên thị trường sẽ có nhiều lợi thế, đặc biệt là về tài chính.

 

Thứ nhất, các đối thủ cạnh tranh nếu muốn chiếm được một phần nào đó thị phần của những doanh nghiệp đã có thương hiệu sẽ phải đầu tư tài chính khá lớn mới có thể thu hút khách hàng.

 

Thứ hai, với thương hiệu mạnh, doanh nghiệp được hưởng một cơ chế bảo hộ riêng, vì đã tạo dựng được lòng tin đối với khách hàng.

 

Tuy nhiên, ông Richard Moore cho rằng vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam nên tạo dựng hình ảnh như thế nào.

 

Có thể nhận thấy là doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của hình ảnh, thương hiệu. “Tôi đã chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ ở thị trường Nhật Bản vào những năm 60, 70 về việc nâng cao thương hiệu doanh nghiệp. Với tốc độ phát triển truyền thông như hiện nay, việc thay đổi hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ diễn ra nhanh chóng”, ông Richard Moore lạc quan.

 

Trong năm 2007, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 8,5%, dự báo năm 2008 GDP sẽ tăng vào khoảng 8,5-9%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng tăng mạnh, dự kiến trong năm nay đạt 15 tỷ USD - mức kỷ lục từ trước đến nay.

 

Theo ông Trương Văn Đoan, Việt Nam hiện có khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Dự kiến đến năm 2010 con số này sẽ tăng lên khoảng 500.000. Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa, và rất nhỏ nên khả năng cạnh tranh còn yếu.

 

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là các doanh nghiệp vẫn chưa có chiến lược xây dựng thương hiệu và quảng bá các sản phẩm và dịch vụ của chính mình.

 

Ông Richard Moore khẳng định rằng việc xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải là một tham vọng viển vông dù nguồn lực của những đơn vị này còn quá nhỏ. Vì không đủ tiềm lực tài chính để đầu tư cho các hoạt động maketting rầm rộ như những doanh nghiệp lớn, nhưng chính vì vậy từng đồng tiền mà họ bỏ ra cho công tác xây dựng thương hiệu đều được cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện một cách thông minh.

 

Theo ông Richard Moore, việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp nhỏ thường liên quan đến vấn đề quản lý nhiều hơn là ngân sách.

 

Trần Hưng