Thương hiệu thời đại 4.0: Ma trận và người dẫn đường

(Dân trí) - Nền tảng công nghệ thời đại 4.0 đã mở ra nhiều phương thức tiếp cận thị trường và người tiêu dùng đang thật sự bối rối trước vô vàn các mũi tấn công từ các chiến dịch marketing. Tình hình thời cuộc đặt ra bài toán dành cho các thương hiệu: làm thế nào để trở thành kẻ được chọn?

Ma trận và trực giác

Sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn hành vi người tiêu dùng so với truyền thống, đặc biệt là phương thức tiếp cận các nguồn thông tin và quá trình lựa chọn sản phẩm, hay nói cách khác là lựa chọn thương hiệu. Cư dân số hóa ra đời kéo theo sự hình thành của xã hội số hóa. Mạng xã hội trở thành môi trường lý tưởng cho sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân song hành với tâm lý mong muốn được kết nối, được thấu hiểu, được thừa nhận, được thể hiện trước công chúng và được thỏa mãn mọi nhu cầu về vật chất cũng như tinh thần.

Đây cũng chính là nơi trao đổi thông tin với tốc độ tương tác cao, khoảng cách giữa những người tiêu dùng với nhau được thu hẹp, sự lựa chọn của ở mỗi cá nhân bị tác động mạnh mẽ bởi tâm lý cộng đồng số hóa và dần hình thành xu hướng mua sắm.

Tăng sự trải nghiệm là yếu tố quan trọng bên cạnh các mũi tiến công marketing trực tuyến
Tăng sự trải nghiệm là yếu tố quan trọng bên cạnh các mũi tiến công marketing trực tuyến

Các doanh nghiệp nhận thức được rất rõ sự phát triển mạnh mẽ về số lượng của các cư dân số hóa và xác định đây chính là thị trường mục tiêu, đồng thời xác định những đặc trưng, đặc thù của xã hội số hóa nhằm xây dựng chiến lược marketing phù hợp bên cạnh phương thức truyền thống.

“Người tiêu dùng đang đứng trước vô vàn các mũi tấn công tiếp thị từ vô số các thương hiệu. Và với việc phương thức tiếp thị trực tuyến trở thành xu hướng, họ có quá nhiều lựa chọn nhưng lại hạn chế sự trải nghiệm. Ma trận đã bày ra. Bên cạnh sự tác động từ các cư dân số hóa, xu hướng hình thành từ xã hội số hóa, thì mọi quyết định sẽ đến từ trực giác.”, Ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ chia sẻ.

PNJ không ngừng mở rộng mạng lưới phân phối nhằm tăng sự nhận diện thương hiệu và tốc độ tiếp cận thị trường
PNJ không ngừng mở rộng mạng lưới phân phối nhằm tăng sự nhận diện thương hiệu và tốc độ tiếp cận thị trường

Như vậy, song song với công tác phân tích dữ liệu để thấu hiểu thói quen, tâm lý người tiêu dùng và đón đầu xu hướng, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu với mục tiêu dẫn dắt người tiêu dùng thoát khỏi ma trận ngồn ngộn thông tin, đặc biệt là thông tin về những dòng sản phẩm tương đồng tính năng. Nói cách khác, doanh nghiệp cần giải quyết bài toán làm thế nào để làm “nổi” thương hiệu, biến thương hiệu thành “bảng chữ nổi cho người mò mẫm trong bóng tối” nhằm tăng sự nhận diện, dẫn dắt người tiêu dùng thoát khỏi ma trận và trở thành “kẻ được chọn”.

Biến thương hiệu thành con người

Để tăng cường sức cạnh tranh, tăng sự nhận diện, các doanh nghiệp đã thực hiện chiến dịch truyền thông tổng lực dựa trên xu hướng trải nghiệm tích hợp cả 5 giác quan (nghe, thấy, sờ, ngửi, nếm) nhằm làm “nổi” thương hiệu. Tuy nhiên, các mũi tiếp thị “tiến công” ồ ạt lại đồng nghĩa với việc người tiêu dùng ngày càng ý thức được vị thế và quyền lực của mình. Do đó, để được lựa chọn, mỗi thương hiệu phải thể hiện được sự khác biệt, thể hiện vai trò dẫn dắt, phải thấu hiểu và trở thành bạn đường thật sự. Nói cách khác là phải biến thương hiệu thành con người.

“Số lượng doanh nghiệp ngày càng gia tăng đồng nghĩa với sự ra đời của hàng loạt các thương hiệu mang màu sắc khác nhau nhằm tăng khả năng nhận diện. Mỗi thương hiệu đều hướng đến một sự khác biệt. Và đứng trước quá nhiều sự khác biệt, người tiêu dùng thật sự bối rối. Sự khác biệt đến từ các yếu tố bên ngoài thành ra không còn khác biệt. Như vậy, chìa khóa của vấn đề là nhân cách hóa thương hiệu và tìm kiếm những giá trị từ bên trong, sự khác biệt từ bên trong.”, ông Thông chia sẻ.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Thành viên HĐQT PNJ, đại diện doanh nghiệp nhận giải Top 40 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2018
Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Thành viên HĐQT PNJ, đại diện doanh nghiệp nhận giải Top 40 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2018

Nhận thức được rằng kỷ nguyên 4.0 bắt đầu cũng là lúc con người trở thành trung tâm, PNJ đã nhanh chóng chuyển dịch trọng tâm từ sản phẩm sang nhu cầu thể hiện bản thân nhằm giải quyết những lo lắng và đáp lại nguyện vọng mỗi cá nhân người tiêu dùng. Dần dần, một cách tự nhiên, thương hiệu PNJ đã nhân cách hóa để vượt lên trên vai trò nhận diện, vai trò làm tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ để chuyển hóa thành thực thể sống động biết suy nghĩ, biết cảm xúc. Đây là một thực thể đang hướng đến sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức, đồng thời hòa nhập vào xã hội số hóa, được dẫn dắt và trở thành người bạn thân thiết của người tiêu dùng trên cơ sở chia sẻ các quan điểm cuộc sống. Người tiêu dùng trở thành thương hiệu và thương hiệu trở thành con người.

Toàn bộ quá trình ấy khởi phát từ một nền tảng vững chắc: lợi thế tiên phong, mạng lưới phân phối không ngừng được mở rộng để tăng tốc độ tiếp cận thị trường và sự trải nghiệm, tập trung nghiên cứu hành vi tiêu dùng nhằm đón đầu xu hướng, không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm, tập trung tạo ra sản phẩm theo nhu cầu từng cá nhân, cơ chế marketing sáng tạo, và sau cùng là tính trung thực, minh bạch của thương hiệu.

Chiều ngày 23/8 vừa qua, Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ đã chính thức lọt Top 40 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2018. Đây là lần thứ 3 Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này và cũng là lần thứ 3 PNJ bước lên bục nhận giải. Top 40 trong năm nay có tổng giá trị thương hiệu đạt gần 8,1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với đợt thực hiện năm 2017. Các tiêu chí đo lường đều được căn cứ vào số liệu tài chính, đặc biệt là doanh thu và giá trị đóng góp của tài sản vô hình. Sau khi rà soát một cách kỹ lưỡng, nhiều thương hiệu đã rơi khỏi bảng xếp hạng mặc dù được đánh giá tăng về mặt giá trị. Trong khi đó, PNJ vẫn trụ vững.

PV