1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thương chiến leo thang, các chaebol Hàn Quốc: Samsung, Lotte,… hứng chịu cú sốc lớn về lợi nhuận

(Dân trí) - Cuộc chiến tranh thương mại leo thang giữa Trung Quốc - Hoa Kỳ, Nhật Bản - Hàn Quốc cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc hứng chịu cú sốc về lợi nhuận.

Thương chiến leo thang, các chaebol Hàn Quốc: Samsung, Lotte,… hứng chịu cú sốc lớn về lợi nhuận - 1
Thương chiến Nhật – Hàn là một trong những nguyên nhân chính của việc sụt giảm lợi nhuận của các Cheabol Hàn Quốc

10 chaebol hàng đầu của Hàn Quốc đã chứng kiến lợi nhuận hoạt động giảm hơn một nửa trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 so với cùng kỳ một năm trước, theo dữ liệu từ Infobigs cho thấy vào Chủ nhật. Mức suy giảm này chủ yếu là của các công ty công nghệ lớn như Samsung và SK.

Theo số liệu của Infobigs., lợi nhuận hoạt động của 10 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, trong đó có 90 công ty liên kết được niêm yết công khai trên sàn chứng khoán, đạt 21,3 nghìn tỷ won (17,6 tỷ USD), giảm 54% so với 45,8 nghìn tỷ won của cùng kì một năm trước đó.

Trong đó, chỉ riêng trong quý II, lợi nhuận hoạt động của 10 công ty hàng đầu của Hàn Quốc đạt 8,11 nghìn tỷ won, giảm 63% so với 21,9 nghìn tỷ won cùng kì một năm trước.

Sự sụt giảm chủ yếu là do hiệu suất kém của các nhà sản xuất chip lớn. Samsung Electronics, nhà sản xuất chip và điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, đã chứng kiến ​​lợi nhuận hoạt động của mình giảm 61,13% trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, nhà sản xuất chip số 2 của Hàn Quốc, SK Hynix đã mất 83,93% lợi nhuận trong cùng kỳ.

Chiến tranh thương mại leo thang giữa Nhật Bản và Hàn Quốc – với việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các nguyên vật liệu chính cần thiết cho ngành công nghiệp công nghệ cao, cũng như cuộc chiến thương mại leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là nguyên nhân chính phủ bóng lên ngành công nghiệp sản xuất chip của Hàn Quốc này, và tương lai, mọi thứ sẽ còn khó khăn hơn nữa.

“Trong nửa cuối năm, thị trường điện thoại di động nói chung dự kiến ​​sẽ vẫn rất yếu do những bất ổn ngày càng tăng đối với nền kinh tế và thương mại toàn cầu”, Samsung cho biết trong một tuyên bố.

Các công ty hóa chất và hàng không cũng nằm trong số những tập đoàn thua lỗ lớn, theo số liệu cho biết.

LG Chem đã chứng kiến ​​lợi nhuận hoạt động của mình giảm 62% trong nửa đầu năm 2019, so với cùng kì một năm trước đó và của Hanwha Chemical giảm 72%. Lợi nhuận hoạt động của Hanjin Group, công ty mẹ của Korean Airlines, giảm 63%.

Mặt khác, các nhà sản xuất ô tô tăng thu nhập so với cùng kỳ một năm trước đó, do sự trả đũa kinh tế của Trung Quốc năm 2018 đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ trên không (THAAD) của Hàn Quốc khiến thu nhập của các nhà sản xuất này rất thấp vào 2018, giờ đây đánh dấu bước ngoặt và hưởng lợi nhuận cao hơn.

Lợi nhuận hoạt động của Tập đoàn Hyundai Motor tăng 39% so với cùng kỳ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6, được hỗ trợ thêm bởi đồng nội tệ yếu và doanh số bán mạnh mẽ của các mẫu xe mới, Infobigs cho biết thêm.

Kim Byung-yeon, nhà phân tích của NH Investment & Securities, cho biết: “Sự lo ngại gia tăng về danh sách các mặt hàng tiềm năng bị hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đang đè nặng lên các công ty Hàn Quốc”

Lee Kyung-min, một nhà phân tích tại Daishin Securities, đã viết trong một báo cáo rằng sẽ không có dấu hiệu phục hồi lợi nhuận vào cuối năm 2019.

“Vì Hàn Quốc là một quốc gia định hướng xuất khẩu, nên dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất khẩu và bán hàng chậm chạp có thể sẽ tiếp tục trong những tháng tới”, Lee nói.

Kim Yun-kyung, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc cho biết: “Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn về việc giảm xuất khẩu và giảm đầu tư. Chính phủ cần đưa ra các chính sách để khắc phục tình trạng này”.

Thùy Dung

Theo The Korean Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm