Gia nhập WTO:
Thuế ôtô sẽ được tính trên từng linh kiện
(Dân trí) - “Khi gia nhập WTO, những cam kết về việc cắt giảm thuế nhập khẩu linh kiện ôtô sẽ theo hướng mở và thuế sẽ hạ xuống. Như thế nhà nước sẽ không thể đảm bảo được chuyện gì sẽ xảy ra đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp… trong ngành ôtô Việt Nam”.
Vụ trưởng Vụ chính sách thuế Quách Đức Pháp đã trao đổi với báo giới về lộ trình ngành công nghiệp ôtô khi Việt Nam gia nhập WTO.
Thưa ông, công tác đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO đang hoàn tất, ngành công nghiệp ôtô đã có thể đưa ra một lộ trình về cắt giảm thuế chưa?
Hiện tại, chưa thể có lộ trình cụ thể gì khi chưa công bố những cam kết trong đàm phán WTO. Nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì khi đàm phán với các nước khác sẽ được đồng ý cho một mốc thời gian và anh thực hiện thế nào là việc của anh.
Đến giờ G anh không được phép phân biệt đối xử nữa. Theo đó, anh không thu thuế theo lũy tiến nữa mà thu theo điều 8 của Hiệp định GATT và mỗi bộ hồ sơ làm một mức thôi, không tính theo khối lượng nữa.
Tuy nhiên, cách đây 3 năm khi đưa ra chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô, tôi đã nói rồi. Đó là phát triển chỉ có 3 cách: Thứ nhất là mở cửa cho vào để rồi chẳng có việc gì để làm; Thứ 2 là 11 liên doanh nhập linh kiện để lắp ráp; Thứ 3 là tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ.
Khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, việc nội địa hoá đối với ngành công nghiệp ôtô sẽ được tính như thế nào, thưa ông?
| |
Ông Quách Đức Pháp - Vụ |
Nhưng đứng về phía ngành thuế thì ít nhất chúng ta đã có 2 động tác, thứ nhất là công bố trước lộ trình cắt giảm thuế, chưa kể bỏ xong thì phải tính tới cách giải quyết những tồn tại, ví dụ những dự án đã ký rồi thì sẽ thực hiện tiếp thế nào sẽ phải tính cho phù hợp. Thứ hai là việc điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện, kể cả với ngành điện tử.
Với ngành ôtô, sẽ không đánh theo dạng bộ linh kiện CKD nữa mà đánh theo từng linh kiện một. Trước đây, một bộ linh kiện xe con đánh chung mức 25%, giờ không đánh chung cả bộ 25% nữa mà chia ra cái bánh khác, dây điện khác, bộ phận chiếu sáng khác, vỏ xe khác…
Tôi đảm bảo rằng cộng tất cả những cái này lại cũng chỉ ở mức 25% thôi, nhưng quan trọng là theo nguyên tắc, cái nào ta chưa sản xuất được thì để 0%, cái gì trong nước đã sản xuất rồi tôi để 30%, cái trong nước đã sản xuất nhưng chưa đảm bảo được thì để 15%.
Nói như vậy, doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước sẽ “sốc” khi Việt Nam gia nhập WTO?
Với hai động tác trên, thực tế vẫn là hỗ trợ cho việc thực hiện nội địa hóa. Như vậy sẽ không ảnh hưởng lắm đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chắc chắn Nhà nước không thể hỗ trợ hết cho doanh nghiệp được nhưng đã có những động tác để doanh nghiệp không bị sốc, để các doanh nghiệp có thể cố vươn lên một chút.
Công việc này đã thực hiện trong năm 2006, và để cho đỡ sốc thì cho các doanh nghiệp có thể lựa chọn, cái xe nào thực hiện theo linh kiện thì ký với hải quan làm linh kiện, cái xe này muốn nhập dạng CKD thì ký dạng CKD.
Vấn đề sức ép lên các doanh nghiệp thế nào tùy thuộc vào khả năng của doanh nghiệp. Ví dụ Toyota tích cực đầu tư đấy, thì muốn cứ được bảo hộ mãi, cứ thế cao mãi, nhưng những anh chỉ muốn nhập thôi thì muốn thuế thấp. Điều không chối cãi là những linh kiện trong nước không thể bằng linh kiện nhập khẩu, nhưng nếu cứ chê thế mà nghĩ đến chuyện nhập khẩu thì làm sao công nghiệp trong nước sản xuất được.
Thưa ông, dư luận đang quan tâm liệu chuyện nhập xe nguyên chiếc tác động lên ngành ôtô trong nước như thế nào?
Đây là điều khó nói vì nó còn liên quan đến nhiều chuyện khác như hạ tầng giao thông dẫn đến hạn chế nhập khẩu, kể cả xe cũ. Vấn đề nhập khẩu hay không nhập khẩu liên quan đến thị trường thế nào, đến quyền lợi người tiêu dùng ra sao thì còn nhiều vấn đề.
Nhưng phải biết sản xuất là rủi ro, sản xuất trong nước mà không ai ủng hộ thì còn ai đây? Và sản xuất còn liên quan đến chuyện tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Câu chuyện bảo hộ, để được đầu tư, được nhà nước bảo hộ thì doanh nghiệp phải cam kết thực hiện thế nào, nội địa hóa thế nào. Câu chuyện này giống như Hàn Quốc 30 năm về trước. Huyndai đầu tư, để được Nhà nước bảo hộ, Huyndai đã cam kết là phát triển sản xuất tốt, phải bán sang khu vực Đông Nam Á, và bây giờ 60% xe nhập nguyên chiếc ở ta là của Huyndai. Đấy là sự thành công về câu chuyện giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Nhà nước bảo hộ cho Huyndai và họ thành công, vấn đề là bảo hộ trên cơ sở làm thật.
Nguyễn Hiền (thực hiện)