Việt Nam ký loạt FTA:

Thuế nhập khẩu giảm mạnh, áp lực ngân sách đè nặng lên khu vực nội địa

An Linh

(Dân trí) - Hàng loạt loại thuế nhập khẩu sẽ được giảm do Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song và đa phương trên thế giới, áp lực thu ngân sách đang ngày một lớn dần.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng ước đạt 1,1 triệu tỷ đồng, bằng 86,4% so với dự toán, bằng 96% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa đạt 1 triệu tỷ đồng, bằng 79,2%; thu từ dầu thô 30,5 nghìn tỷ đồng, bằng 86,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 153,5 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8%.

Thuế nhập khẩu giảm mạnh, áp lực ngân sách đè nặng lên khu vực nội địa - 1

Số thu ngân sách năm 2020 có thể sẽ giảm mạnh do tác động cộng hưởng từ đại dịch Covid-19 và giảm thuế nhập khẩu hàng hóa do FTAs mang lại

Dù số thu đã đạt khá nhưng vẫn chưa đạt dự toán là do tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác thu ngân sách.

Bên cạnh đó, ngành thuế đã thực hiện nghiêm các giải pháp giãn, miễn, gia hạn nộp thuế giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, tác động đến số thu ngân sách.

Việc giảm thu từ khó khăn do dịch Covid-19, thu ngân sách Nhà nước đang đối diện với thất thu từ giảm thuế nhập khẩu hàng loạt mặt hàng do Việt Nam tham gia cắt giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do song và đa phương.

Cụ thể như lộ trình giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa thông thường Việt Nam sẽ áp dụng đối với các Hiệp định FTAs như EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu u, có đến trên 48% dòng thuế, tương đương với gần 65% kim ngạch hàng hóa thông thường nhập từ EU vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ. Sau 10 năm, 99 dòng thuế, tương đương gần 100% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU vào Việt Nam sẽ được bãi bỏ.

Các đối tác lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch nhập khẩu vào Việt Nam nhiều loại hàng hóa như máy móc, thiết bị điện, được phẩm. Đây là những hàng hóa có giá trị cao, không cạnh tranh trực tiếp, đối kháng với sản phẩm cùng loại ở Việt Nam. Vì vậy, có cơ hội rất lớn bước vào thị trường Việt mà không gặp quá nhiều cạnh tranh.

Trong khi đó, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa Việt Nam với hàng loạt đối tác lớn như Nhật, Úc, New Zealand, Mehico, Singapore..., hơn 66% dòng thuế của các nước vào Việt Nam sẽ được bãi bỏ. Sau 3 năm, kể từ khi hiệp định có hiệu lực, hơn 86% hàng hóa từ CPTPP sẽ được bỏ thuế khi vào Việt Nam. Các hàng hóa khác, nhạy cảm cao sẽ có lộ trình cắt bỏ thuế từ 5-10 năm kể từ khi CPTPP chính thức có hiệu lực, được phê chuẩn.

Việc thuế nhập khẩu giảm sút, tác động nhiều đến thu ngân sách của Việt Nam, trong đó sẽ gia tăng đánh thuế vào khu vực nội địa, nhiều nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân...

Theo chuyên gia từ Hội tư vấn thuế Việt Nam, từ năm 2018 trở lại đây, các loại thuế nội địa bám sát đời sống hơn và tăng thu hơn so với thời gian trước. Đây cũng là đặc điểm chung của nhiều nước khi kiểm soát nền kinh tế tốt hơn, loại bỏ dần phụ thuộc vào thuế nhập khẩu, điều này tốt cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh Việt Nam giảm và hạn chế xuất khẩu dầu thô, khoáng sản, các loại thuế gián thu và trực thu sẽ thay thế vai trò bù đắp thiếu hụt thu ngân sách. Việc bù đắp thu ngân sách bằng thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, thuế thu nhập cá nhân cũng được nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện.

Tuy nhiên, mặt trái của chính sách tăng thu nội địa trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dịch bệnh vô tình khiến doanh nghiệp, người khởi nghiệp, người làm giàu trở nên khó khăn, mất đi động lực hoặc có thể gặp khó khăn mới nếu tiếp tục duy trì sản xuất, ổn định công ăn việc làm cho công nhân.