1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thực trạng "đen tối" tại nơi được mệnh danh là "hòn ngọc Ấn Độ Dương"

Haru

(Dân trí) - Nền kinh tế Sri Lanka, quốc gia Nam Á được mệnh danh là "hòn ngọc Ấn Độ Dương" đang bước vào giai đoạn khó khăn chưa từng có. Người dân nước này thậm chí ví 2022 mà như những năm 1970.

Đối với Zahara Zain, tình hình hiện tại ở Sri Lanka làm cho cô nhớ đến khoảng thời gian đầu những năm 1970 khi đất nước đang chiến đấu để tồn tại trong bối cảnh tình trạng thiếu lương thực tê liệt.

Zain là chủ một doanh nghiệp thực phẩm nhỏ đến từ thủ đô Colombo. Cô nói: "Tôi cảm thấy như đang sống lại những năm 1970 khi mọi thứ đều bị hạn chế". Cô cho biết, đối với hầu hết người dân Sri Lanka, mỗi ngày là một cuộc đấu tranh khi giá nhiều mặt hàng thực phẩm cơ bản đã tăng vọt do nguồn cung hạn chế.

Sri Lanka đang phải đối mặt với khó khăn kép với giá cả tăng cao và nợ nần chồng chất và người dân nước này đang phải gánh chịu hậu quả khi tình hình trong nước ngày càng trở nên tồi tệ.

"Sữa và các loại thực phẩm khác như gạo và đường đều bị hạn chế", bà mẹ hai con nói. Trước đây cô có thể mua hộp sữa bột loại 1kg nhưng hiện nay, các cửa hàng chỉ được phép bán loại 400g. "Như vậy làm sao đủ được? Con tôi cần sữa", Zain nói với CNBC. "Giá sữa đã tăng gần 1 USD cho mỗi kg", cô nói thêm.

Sự thiếu hụt đôla Mỹ trong nước đã dẫn đến tác động lên giá của hầu hết mặt hàng thực phẩm và nguyên liệu thô cần thiết cho việc kinh doanh thực phẩm của Zain: "Tình hình thực sự tồi tệ và mọi người đang phải vật lộn". 

Các nhà phân tích cho biết, nỗi đau kinh tế làm cho cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài của Sri Lanka ngày càng phức tạp.

Shahana Murkherjee, chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics, cho biết: "Các nhà hoạch định chính sách đang phải vật lộn với thách thức kép của các khoản trả nợ ở nước ngoài và việc đáp ứng nhu cầu trong nước".

Thực trạng đen tối tại nơi được mệnh danh là hòn ngọc Ấn Độ Dương - 1

Người dân xếp hàng bên ngoài một siêu thị ở Colombo, sau khi Sri Lanka tuyên bố tình trạng khẩn cấp về tình trạng thiếu lương thực do các ngân hàng tư nhân cạn kiệt ngoại hối để tài trợ cho nhập khẩu (Ảnh: Getty).

Nợ nần chồng chất

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế vào tháng 9/2021. Theo đó, chính phủ được phép kiểm soát nguồn cung cấp các mặt hàng thực phẩm cơ bản và đặt giá để kiểm soát lạm phát gia tăng, vốn đã tăng vọt lên 14,2% vào tháng 1.

Ngành du lịch của quốc gia Nam Á đã cạn kiệt tiền do đại dịch. Nhưng ngay cả trước đó, vòng xoáy nợ nần của Sri Lanka đã đi trên một con đường không bền vững, các nhà kinh tế cho biết.

Dushni Weerakoon, Giám đốc điều hành tại Viện Nghiên cứu Chính sách của Sri Lanka, cho biết kể từ năm 2007, chính phủ đã phát hành trái phiếu chính phủ mà không suy nghĩ nhiều về việc họ sẽ trả các khoản vay như thế nào.

"Dự trữ được xây dựng bằng cách vay từ các quỹ ngoại tệ, thay vì thông qua thu nhập cao hơn từ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Điều này khiến Sri Lanka phải hứng chịu nhiều cú sốc từ bên ngoài," bà bày tỏ. 

Hơn nữa, chính phủ đã chi ngoại tệ để trả nợ và ngân hàng trung ương đã giảm dự trữ ngoại hối để hỗ trợ đồng rupee Sri Lanka, điều này đã gây ra áp lực lên nền kinh tế, Alex Holmes, nhà kinh tế châu Á tại Capital Economics, cho biết. Do đó, "nền kinh tế không còn nhiều ngoại tệ để làm những việc như nhập khẩu thực phẩm, đó là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát hai con số", Holmes nói thêm.

Đại dịch tấn công du lịch

Covid-19 giáng một đòn khác vào nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của đảo quốc, làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ nần của quốc gia này.

Murkherjee chia sẻ: "Đại dịch đã gây ra khó khăn tài chính. Nguồn thu của chính phủ chịu áp lực lớn bởi vì du lịch, lĩnh vực tạo ra doanh thu quan trọng cho Sri Lanka, đã tạm dừng hoạt động kể từ đầu năm 2020. Việc chuyển tiền của người lao động nhập cư cũng gặp nhiều khó khăn".

Thực trạng đen tối tại nơi được mệnh danh là hòn ngọc Ấn Độ Dương - 2

Sri Lanka khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch và khủng hoảng kinh tế (Minh họa: Themorning.lk).

Theo các nhà phân tích, việc cắt giảm thuế vào năm 2019 đã khiến tình hình ở Sri Lanka trở nên tồi tệ hơn vì nó khiến cho nguồn thu từ thuế giảm đáng kể và làm suy yếu sự hỗ trợ của chính phủ cho nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

"Đại dịch đã cắt đứt các kênh thông thường của dòng vốn do các chỉ số tài chính và nợ vốn đã yếu trở nên tồi tệ hơn", Weerakoon nhận định. "Xếp hạng chủ quyền của Sri Lanka đã bị hạ thấp, làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay của đất nước này trên thị trường vốn", bà nói thêm.

Cứu trợ từ Trung Quốc và Ấn Độ

Theo số liệu của Citi Research, dự trữ chính thức của Sri Lanka từ con số 3,1 tỷ USD vào tháng 12/2021 đã giảm xuống còn 2,36 tỷ USD vào tháng 1 vừa qua. Các nhà phân tích cho biết thách thức lớn tiếp theo của chính phủ này là khoản hoàn trả trái phiếu trị giá 1 tỷ USD vào tháng 7.

Moody's ước tính quốc gia này sẽ phải trả các khoản nợ trị giá gần 7 tỷ USD trong năm nay.

Để đối phó với tình hình tài chính ngày càng tồi tệ, Sri Lanka đã tiếp cận với Ấn Độ và Trung Quốc để được hỗ trợ.

Vào tháng 1, Rajapaksa đã gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị để yêu cầu Trung Quốc tái cơ cấu các khoản trả nợ. Năm ngoái, ngân hàng trung ương của Sri Lanka và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương cho một cơ sở hoán đổi trị giá 1,5 tỷ USD. Động thái này nhằm giảm rủi ro biến động tỷ giá hối đoái khi có biến động tài chính.

Ấn Độ gần đây cũng đã cung cấp hỗ trợ tín dụng và ngoại hối cho Sri Lanka, bao gồm hạn mức tín dụng 500 triệu USD để giúp quốc gia này mua nhiên liệu.

Tuy nhiên, chính phủ phải đối mặt với một quyết định chính trị khó khăn trong vài tháng tới, đó là nên ưu tiên các trái chủ quốc tế hay là bảo toàn đôla Mỹ khan hiếm cho các mặt hàng nhập khẩu quan trọng, các nhà kinh tế cho biết.

Động thái để giữ cân bằng

Nợ công của Sri Lanka dự kiến tăng từ 94% vào năm 2019 lên 119% GDP vào năm 2021.

Holmes nói: "Đối với chính phủ, vấn đề lớn nhất là làm sao cân bằng giữa mặt tích cực và mặt tiêu cực của việc vỡ nợ. Chắc chắn chi phí vỡ nợ sẽ thấp hơn chi phí kéo dài". Ông đồng thời nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách nên mạnh dạn hơn.

Các nhà phân tích cho rằng Sri Lanka cần phải cơ cấu lại các khoản nợ hoặc xin gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). "Chúng tôi nghĩ rằng chính phủ Sri Lanka cuối cùng sẽ phải nhờ đến IMF, mặc dù không thể loại trừ khả năng vỡ nợ trước khi thỏa thuận với IMF được hoàn tất," các nhà phân tích của Citi cho biết.

Thông điệp của chính phủ về việc tìm kiếm hỗ trợ từ IMF gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Financial Times trích lời Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa rằng tất cả các lựa chọn đang được xem xét, bao gồm cả khoản cứu trợ từ IMF.

Thực trạng đen tối tại nơi được mệnh danh là hòn ngọc Ấn Độ Dương - 3

Các nhà phân tích cho rằng Sri Lanka cần phải cơ cấu lại các khoản nợ (Ảnh: Sneharashmini).

Trong khi đó, Thống đốc ngân hàng trung ương Ajith Cabraal nói với CNBC rằng Sri Lanka không cần sự trợ giúp của IMF vì nước này có một chiến lược thay thế. Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng Giêng, ông tuyên bố Sri Lanka có thể trả tiền cho khoản nợ tồn đọng của mình, đặc biệt là trái phiếu quốc tế chính phủ, mà không gây ra bất kỳ tổn thương nào cho các chủ nợ.

Ngăn chặn một cuộc khủng hoảng sâu hơn

Vào tháng 2, ngân hàng trung ương cho biết Sri Lanka cam kết tôn trọng tất cả nghĩa vụ nợ sắp tới, đồng thời cũng phủ nhận các báo cáo của phương tiện truyền thông tuyên bố đất nước đang trên bờ vực vỡ nợ chủ quyền, và nói rằng "những tuyên bố như vậy là hoàn toàn không có cơ sở".

Moody's Mukherjee cho biết: "Các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ ưu tiên việc ổn định các điều kiện trong nước trong thời gian tới bằng cách chuyển một phần lớn gói viện trợ nước ngoài bổ sung cho nhu cầu ngày càng tăng cao trong nước và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hơn".

Cuộc khủng hoảng nợ đang gây ra sự lo lắng đối với người dân Sri Lanka, và khiến họ càng thất vọng vào chính phủ.

Zain, chủ doanh nghiệp nhỏ từ Colombo cho biết: "Mọi người đang lo lắng và có rất nhiều sự giận dữ nhắm vào chính phủ. Đất nước đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Tôi hy vọng rằng sẽ không có những khó khăn khác và vấn đề nợ sẽ được giải quyết nhanh chóng".