1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thực phẩm Tết “đội giá” từng ngày

(Dân trí) - Mặc cho sức mua có phần hạn chế do thời tiết, giá thực phẩm Tết tại Hà Nội và TPHCM đang “đội” lên từng ngày. Hiện các bà nội trợ đang ưu tiên chọn mua những món dễ ăn và có thể chống chọi với nóng bức.

Hà Nội: Có nguy cơ khan hiếm thực phẩm?
 
Tại chợ Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), mức giá thịt lợn vai dao động từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, thịt mông giá 70.000 đồng/kg; thịt bò thăn có giá 140.000 đồng/kg; thịt gà ta từ 80.000 - 100.000 đồng/kg…
 
Ở chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), giá thủy, hải sản đã nhích lên từ cuối tuần trước. Cá trắm đen có mức giá lên tới 150.000 - 160.000 đồng/kg; tôm sú dao động từ 220.000 - 240.000 đồng/kg; cua biển từ 120.000 - 220.000 đồng/kg…
 
Do thời tiết cận Tết nắng nóng bất thường nên loại thực phẩm này đang hấp dẫn các bà nội trợ, nhu cầu tiêu thụ lớn khiến giá cả cũng tăng cao hơn so với các loại thực phẩm khác.
 
Thực phẩm Tết “đội giá” từng ngày - 1
Thủy, hải sản đang là sự lựa chọn tại Hà Nội.
 
“Mức giá này tăng từ 10 - 15% so với các loại thực phẩm tương ứng hồi giữa tháng, điều này cũng dễ hiểu vì nhu cầu thực phẩm của người dân tăng thì giá cả ắt sẽ tăng lên” - chị Thu, tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân cho biết.
 
Rau xanh luôn là mặt hàng không thể thiếu trong những ngày Tết. Hiện tại, rau muống giá có 4.000 - 6.000 đồng/bó; súp lơ giá 6.000 - 8.000 đồng/cây; bắp cải có giá 5.000 - 7.000 đồng/kg; su hào loại ngon giá 5.000 - 6.000 đồng/củ…
 
Khảo sát tại nhiều khu chợ dân sinh khác như: Láng Hạ, Thành Công, chợ Mơ, chợ Bưởi… giá thực phẩm càng cận Tết càng tăng giá. Vì thế, nhiều tiểu thương cho rằng sẽ khan hiếm thực phẩm trong những ngày 29, 30 Tết?.
 
Còn tại các siêu thị, hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng đã kết thúc. Đơn cử như Fivimart, từ trung tuần tháng 1/2010 giá các loại thực phẩm thủy, hải sản đóng gói như: cá Basa, cá thu cắt khúc, cá viên, thịt cua biển… giảm 10% so với giá gốc nhưng đến hết ngày 9/2 giá các loại thực phẩm này sẽ bắt đầu “đeo” giá mới theo hướng “nhích” lên.
 
TPHCM: Thực phẩm khô “lấn lướt” hàng tươi sống
 
Dù đã 27 tết nhưng các tiểu thương kinh doanh thịt heo tại TPHCM đều than vãn năm nay ế ẩm. Dạo qua chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), các sạp thịt vẫn đầy ắp, thỉnh thoảng mới có khách ghé nhưng chỉ mua dùng trong ngày. Chị Hải, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai, ngán ngẩm: “Bán ế lắm…”.
 
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) tình trạng cũng không khá hơn. Chị Giang, bán thịt bò, cho biết, sức mua không bằng phân nửa thời điểm năm ngoái.
 
Các bà nội trợ giải thích rằng ngày thường đã ăn thịt nhiều nên dịp tết muốn đổi món. Một lý do không kém phần quan trọng là năm nay lập xuân từ 21 âm lịch, sau ngày này, thời tiết trở nên nóng bức nên món thịt ít nhiều bị “thất sủng” trong mâm cỗ tết.
 
Thực phẩm Tết “đội giá” từng ngày - 2
Thời tiết nóng khiến ít bà nội trợ ít quan tâm đến hàng thịt.
 
Mặc dù vậy, trên thị trường giá thịt heo vẫn nhích nhẹ 1.000 đồng/kg so với tuần trước. Tương tự, thịt gà tươi cũng tăng nhẹ từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, hiện giá gà ta thả vườn lên đến 53.000 đồng/kg, còn thịt bò dao động trong khoảng 127.000 - 166.000 đồng/kg.
 
Trái với vẻ ảm đạm ở gian hàng thực phẩm tươi sống, khu vực bán thực phẩm khô đông nườm nượp. Đây là dịp về quê ăn tết nên đa phần khách mua làm quà cho gia đình, sức tiêu thụ tăng nên giá cả cũng leo thang.
 
Tại chợ Bà Chiểu, giá lạp xưởng Vissan tăng từ 65.000 đồng/kg lên mức 87.000 - 130.000 đồng/kg tùy loại. Cùng mặt hàng lạp xưởng nhưng giá trong siêu thị lại nhích hơn thị trường bên ngoài.
 
Khô mực cũng là món nhắm ưa chuộng trong dịp tết. 1 kg khô mực giá khoảng 450.000 đồng. Ngoài ra, các loại khô tẩm gia vị khác cũng tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Theo các bà nội trợ, ưu điểm của thực phẩm khô là có thể dự trữ trong thời gian dài, lại khá tiện lợi khi chế biến.
 
Như Quỳnh - Lê Phương - Hoài Lương