Thực phẩm bẩn, độc bủa vây người dân

Hoa quả, rau củ, thịt... bị nhiễm bẩn, nhiễm độc bởi bảo quản, chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc... gần đây lại xuất hiện tràn lan khiến người dân hoang mang, lo lắng.

La liệt thực phẩm nhiễm độc

 

Thông tin về nhiều loại hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc như: nho, lựu, mận...bị phát hiện đều chứa carbendazim và tebuconazole với dư lượng vượt quá ngưỡng cho phép từ 1,5-5 lần được Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa công bố. Đây là những chất diệt nấm sử dụng trong bảo quản trái cây, nếu dùng vượt quá mức cho phép có thể gây vô sinh, nguy hại đến sức khỏe con người.

 

Mặc dù công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đã được tăng cường, hoạt động nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai được siết chặt, tần suất lấy mẫu kiểm tra tăng lên, song, trên thị trường, các loại  rau quả, đặc biệt là hoa quả nhiễm độc nho, lựu vẫn xuất hiện tràn lan, ngày càng nhiều.
 
Thực phẩm bẩn, độc bủa vây người dân

 

Tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), theo đại diện Ban quản lý chợ, thời gian này dù số lượng các loại quả trên giảm nhiều nhưng mỗi ngày, vẫn có hàng trăm tấn hoa quả, rau củ Trung Quốc được nhập về chợ. Cảnh buôn bán diễn ra tấp nập trước khi chuyển đi tới các chợ lẻ, về tận nông thôn.

 

Trên thị trường, từ chợ lớn nhỏ đến những ngõ hẻm, đâu đâu cũng thấy xuất hiện những hàng bán các loại hoa quả có trong danh sách hoa quả chứ chất độc hại, vượt quá ngưỡng cho phép với giá rẻ hơn nhiều lần so với hoa quả nội cũng như hoa quả nhập từ các nước khác. Người bán cũng vô tư tràn ra vỉa hè, lấn chiếm lòng đường.

 

Điều đáng lo ngại là, không chỉ có các loại nông sản nhiễm độc nhập khẩu từ Trung Quốc xuất hiện trên thị trường mà ngay cả những thực phẩm sản xuất trong nước bị phát hiện sử dụng chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc, đường hóa học... cũng nằm trong danh mục chất cấm ngày một nhiều hơn.

 

Với mặt hàng thực phẩm thịt, liên tiếp có những thông tin người chăn nuôi sử dụng các chất cấm không nằm trong danh sách các chất được sử dụng trong chăn nuôi, ảnh hưởng tới sức khỏe  người sử dụng thịt.

 

Cách đây vài tháng, nhiều mẫu thịt lợn tại một số tỉnh thành trên cả nước bị cơ quan chức năng phát hiện có sử dụng Beta agonists là nhóm hooc môn tăng trưởng có tác dụng làm giảm lượng mỡ tăng lượng lạc ở lợn. Người chăn nuôi cho lợn ăn chất này với mục đích tạo nạc cho lợn.

 

Sau vụ thịt lợn chứa chất tạo nạc, đầu tháng 10 này, một số cơ sở giết mổ tại TP.HCM bị phát hiện có sử dụng thuốc an thần tiêm để thịt lợn đẹp và dai hơn.

 

Theo một số nhà chuyên môn, thuốc an thần ngoài tác dụng chống động kinh và làm giảm đau trong mổ động vật thì còn có tác dụng làm thịt dẻo dai và tươi. Tuy nhiên, với bất cứ loại thuốc nào khi tiêm cho lợn phải sau 14 ngày mới đào thải hết, và sau thời gian đó mới được đi giết mổ còn nếu không lượng thuốc tồn dư trong thịt lợn sẽ xâm nhập vào cơ thể con người khi ăn thịt loại này.

 

Ngay cả đến những thực phẩm khác như giá đỗ, măng hay những thực phẩm chế biến như bò viên, mực... cũng liên tiếp bị phát hiện được ủ ướp bằng các chất độc hại. Mới đây nhất là vụ bắp luộc bị phát hiện có sử dụng hóa chất và pin luộc chung để giúp cho bắp ngon, và lâu ôi thiu.
 
Dân bất an

 

Dân bất an

 

Không ít người dân sau khi nghe những thông tin về hoa quả, thực phẩm nhiễm độc đều cảm thấy bất an và không khỏi lo lắng khi cuộc sống bị bủa vây bởi những thực phẩm như vậy.

 

Bác Nguyễn Thị Lanh ở đường Tô Hiệu (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), lo lắng: "Cái gì cũng bẩn và độc hại, bây giờ không biết ăn thứ gì để tránh. Bẩn còn tạm chấp nhận được chứ độc hại thì khó có thể lường trước được hậu quả". Thịt lợn suốt ngày nhiễm chất nọ chất kia, gà loại thải thì tràn ngập chợ lớn chợ bé. Trong khi đó, nông sản Trung Quốc bán khắp gõ xóm.

 

"Nhiều loại biết là độc hại nhưng vẫn khó tránh bởi đi chợ, người bán đâu có ghi rõ xuất xứ hàng hóa cho người mua biết. Mà với mắt thường, đâu phải mặt hàng nào người dân cũng có thể phân biệt được rõ. Còn nếu hỏi, họ nói hàng của Việt Nam hết. Chúng tôi lo lắm đấy nhưng chẳng biết làm thế nào", bác Lãnh chia sẻ.

 

Theo chị Lưu Thanh Hồng ở Kim Mã Thượng (Ba Đình, Hà Nội), thời gian gần đây báo chí liên tục thông tin nhiều loại thực phẩm, rau quả nhiễm độc làm chị cũng không khỏi hoang mang, lo lắng đến sự an toàn cho bữa cơm gia đình.

 

Chị Hồng cho biết, trước đi chợ thấy cái gì ngon là mua, song giờ phải cân nhắc bởi cứ nhìn thấy hàng hóa cái gì cũng bóng bẩy, ngon mắt cũng sợ. Hàng Trung Quốc nhập về qua các cửa khẩu nhiều vô kể nhưng về tới chợ thành nho Ninh Thuận, Nho Mỹ, thành cam Hà Giang, mận Lai Châu... Chẳng ai nói đó là hàng Trung Quốc. Có chăng chỉ vào các siêu thị mới biết được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

 

"Trước thì kêu tẩy chay hàng Trung Quốc vì nhiễm độc, nhưng giờ đâu chỉ có hàng Trung Quốc mà ngay cả hàng hóa, thực phẩm trong nước cũng có chất cấm, bày bán la liệt hỏi dân sao không hết lo chứ?", chị Nhung, ngõ 123 Xuân Thủy (Cầu Giấy) ngao ngán.

 

Nhiều người dân khi được hỏi về tình trạng thực phẩm, rau quả độc hại xuất hiện tràn lan trên thị trường gần đây đều tỏ ra bất an khi sự ăn toàn trong bữa ăn gia đình của họ đang bị đe dọa và đặt ra câu hỏi: Những mặt hàng thực phẩm, rau quả biết rồi có thể ít nhiều tránh hay hạn chế được, vậy còn những hàng chưa biết liệu có tránh được không?

 

Theo Bảo Hân

VEF