1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thực hư chuyện ngân hàng thua lỗ chứng khoán

(Dân trí) - Trước những thông tin về việc kinh doanh chứng khoán thua lỗ làm giá cổ phiếu rớt mạnh, một số ngân hàng vừa lên tiếng khẳng định “không thua lỗ”.

Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB): “Tổng số tiền mà Tập đoàn ACB đầu tư vào cổ phiếu tính đến ngày 31/12/2007 là 1.177,973 tỷ đồng. Trong năm 2007, ACB đã thu lãi từ đầu tư cổ phiếu khoảng 105% tổng giá trị đầu tư vào cổ phiếu và đã thu hồi toàn bộ vốn các khoản đầu tư cổ phiếu từ trước tới nay trong năm 2007”.

Với Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank), đại diện ngân hàng này cho biết, tỷ lệ vốn đầu tư chứng khoán của họ chỉ chiếm 0,63%. Theo danh mục đầu tư của VIB Bank, tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu và tín phiếu, trái phiếu Chính phủ và chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh của VIB Bank là 99,37%.

Vì thế việc duy trì danh mục đầu tư này nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản và hưởng lãi suất cố định của ngân hàng thương mại không chịu ảnh hưởng của biến động giá trên thị trường chứng khoán.

Là một trong số ngân hàng bị “chỉ trích” là đã kinh doanh đầu tư chứng khoán thua lỗ, ngày 9/5, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng đã có thông tin nêu rõ: “Trong tổng số chứng khoán đầu tư trị giá 3.659 tỷ đồng, chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn (trái phiếu chính phủ, trái phiếu ngân hàng và một số trái phiếu do các tổng công ty nhà nước hoặc doanh nghiệp lớn phát hành) đã chiếm đến 70% danh mục, tương đương 2.560 tỷ đồng.
 
Đối với 1.098 tỷ đồng chứng khoán sẵn sàng để bán, chứng khoán nợ do Chính phủ phát hành cũng chiếm đến 650 tỷ. Chứng khoán vốn (các khoản đầu tư góp vốn, mua cổ phần vào các tổ chức kinh tế khác) chỉ chiếm 448 tỷ đồng, và chủ yếu tập trung vào những công ty thành viên hoặc những đối tác chiến lược của ngân hàng...

So với năm 2007, những khoản đầu tư chứng khoán đã giảm 50%, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong toàn bộ danh mục đầu tư của ABBank. Tuy nhiên, do đã tham gia thị trường chứng khoán khá sớm nên ABBank vẫn còn những khoản đầu tư từ cuối năm 2005 và nếu bán ra vào thời điểm này chắc chắn vẫn đem lại lợi nhuận”.

Còn với Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank): “Theo báo cáo tài chính lập theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, được kiểm toán bở́i KPMG, tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2007, tổng đầu tư chứng khoán là 6.842 tỷ trong đó chủ yếu là đầu tư vào trái phiếu.
 
Lượng đầu tư chứng khoán vốn trực tiếp chỉ chiếm 3,5% danh mục, phần lớn các khoản đầu tư đó là các khoản hợp tác mang tính chiến lược. Các khoản đầu tư vào chứng khoán nợ hưởng theo lãi suất cố định và không phụ thuộc vào việc giảm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán”.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm