Thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon Việt Nam, hướng tới mục tiêu Net Zero 2050

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Nhận thức về trách nhiệm và vai trò của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nestlé Việt Nam đồng hành cùng các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu Net Zero 2050

Trong thế giới toàn cầu hóa, xây dựng thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh là xu thế tất yếu, để tăng năng lực cạnh tranh cấp độ toàn cầu. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon mà những thị trường lớn đang áp dụng sẽ đóng vai trò quyết định cho cuộc đua mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung trên thế giới, buộc phải nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây được coi là xu thế không thể đảo ngược.

Giữa bối cảnh này, trong khuôn khổ Lễ trao giải Chương trình Đánh giá và Xếp hạng các Doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI-100), với tư cách là đồng chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Nestlé Việt Nam và VBCSD đã phối hợp tổ chức cuộc gặp gỡ và trao đổi về cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon tại Việt Nam và lộ trình hướng đến mục tiêu chung.

Thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon Việt Nam, hướng tới mục tiêu Net Zero 2050 - 1

Lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự buổi gặp gỡ, trao đổi về cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon tại Việt Nam, lộ trình hướng đến mục tiêu chung do Nestlé Việt Nam và VBCSD phối hợp tổ chức (Ảnh: BTC).

Ông Binu Jacob, đồng chủ tịch VBCSD, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, nhận định biến đổi khí hậu là một trong những thách thức cấp bách nhất mà chúng ta đang phải đối mặt, gây rủi ro đáng kể cho doanh nghiệp.

Chính vì điều này, ông Binu Jacob cho rằng tính bền vững là một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh dài hạn của Nestlé. Doanh nghiệp này là đơn vị đi đầu trong phong trào, triển khai chiến lược toàn diện nhằm giảm lượng khí phát thải carbon, tối ưu hóa chuỗi cung ứng tới đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon Việt Nam, hướng tới mục tiêu Net Zero 2050 - 2

Ông Binu Jacob, đồng chủ tịch VBCSD, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam.

"Chúng tôi đã xây dựng lộ trình cụ thể để có thể đạt được mục tiêu này. Năm 2020, tập đoàn Nestlé công bố lộ trình phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), dựa vào sáng kiến mục tiêu trên cơ sở khoa học (SBTi) để giảm phát thải của Nestlé. Kế hoạch này cho phép chúng tôi bỏ lại phía sau lượng khí thải carbon cao nhất và đạt được kết quả tích cực hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến 2025 giảm 20%, đến 2030 giảm 50% và đạt Net Zero vào năm 2050.

Việc Nestlé phối hợp cùng VBCSD trong khuôn khổ Chương trình CSI-100 là một ví dụ về nỗ lực của chúng tôi trong lĩnh vực này", Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam nói.

5 lĩnh vực mà Nestlé đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển bền vững của Việt Nam bao gồm nông nghiệp; quản lý nguồn nước; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với cam kết phát triển bao bì bền vững; sức khỏe, dinh dưỡng khuyến khích lối sống lành mạnh và nỗ lực trong việc thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD, nhận định, phát triển bền vững không phải là chuyện của mỗi quốc gia mà trở thành vấn đề toàn cầu. Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung rất nhiều trong việc chung vai với cơ quan chính phủ, các bộ ngành, giải quyết những thách thức này ở Việt Nam.

Trao đổi về cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là một giải pháp quan trọng nhằm thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của các bên, trong đó có Việt Nam, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

"Việt Nam là một trong 3 nước đầu tiên ký thỏa thuận trao đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước, nhưng tới nay số tiền 15,5 tỷ USD vẫn chưa huy động được. Trong khi đó ở lĩnh vực dệt may, cuối năm 2021, cuối năm 2022 và năm 2023 chúng ta mất 10% doanh thu vì không đáp ứng được tiêu chuẩn xanh so với Bangladesh.

Năm 2025, Bộ Tài chính có kế hoạch đưa thị trường carbon vào thử nghiệm. Đó là việc các doanh nghiệp phải báo cáo phát thải. Tới năm 2029, Việt Nam chính thức phân bổ hạn ngạch phát thải để giao dịch trên thị trường. Như vậy chúng ta có 4 năm để thực hiện lộ trình này", ông Thọ trao đổi.

Để hiểu rõ hơn về cơ chế này, ông Nguyễn Thành Công, Phó Trưởng phòng Kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết theo Quyết định 13, những lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải. Trước mắt, số lượng các doanh nghiệp phải thực hiện các báo cáo kiểm kê khí nhà kính lên tới 2.166 cơ sở.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển thị trường carbon cần nâng cao nhận thức về thị trường tín chỉ carbon, xây dựng cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Doanh nghiệp bền vững Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên xanh

Tối 29/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng VBCSD, đã tổ chức lễ công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) 2024.

Thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon Việt Nam, hướng tới mục tiêu Net Zero 2050 - 3
Khách trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR360 để tìm hiểu các sáng kiến phát triển bền vững của Nestlé (Ảnh: Việt Hà).

Tại lễ công bố CSI 2024, Nestlé giới thiệu các sáng kiến phát triển bền vững như chuyển dịch sang nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong toàn chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng giới thiệu sáng kiến áp dụng công nghệ thực tế ảo VR360 nhằm tăng trải nghiệm cho khách tham gia buổi lễ. Những hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng hành động trong cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Năm nay, 100 doanh nghiệp bền vững tiêu biểu ở cả lĩnh vực sản xuất và thương mại dịch vụ được vinh danh. Trong đó, top 10 doanh nghiệp bền vững nhận tỷ lệ 50% doanh nghiệp trong nước và 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon Việt Nam, hướng tới mục tiêu Net Zero 2050 - 4
Các doanh nghiệp chụp ảnh kỷ niệm tại Lễ công bố CSI 2024.

"Chúng tôi mong muốn được tham gia, dẫn dắt các hoạt động hợp tác để doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và cả cộng đồng đều có thể chung tay, hướng tới mục tiêu chung", ông Binu Jacob trao đổi.