Thua lỗ 4,4 triệu đồng sau một ngày mua vàng
(Dân trí) - Các "nhà vàng" bán một lượng vàng tới 85 triệu đồng/lượng nhưng cuối ngày hôm sau chỉ mua vào với giá 80,6 triệu đồng. Người mua lỗ 4,4 triệu đồng/lượng sau một ngày.
Giá vàng lên đỉnh rồi lao dốc
Kết thúc tuần vừa rồi (8/4-13/4), giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết giá ở mức 80,6-83,1 triệu đồng/lượng (mua - bán). Chênh lệch 2 chiều mua - bán là 2,5 triệu đồng. Mức cao nhất trong tuần qua vàng miếng SJC đạt là 83-85 triệu đồng/lượng (mua - bán), cũng là mức kỷ lục của mặt hàng này.
Như vậy, nếu mua ở mức giá đỉnh 85 triệu đồng/lượng và cuối tuần bán ra ở mức 80,6 triệu đồng, người mua đã lỗ ngay 4,4 triệu đồng với mỗi lượng vàng miếng SJC.
Vàng nhẫn tuần vừa rồi cũng có một tuần tăng "phi mã". Mức cao nhất ghi nhận là 75,35-77,1 triệu đồng/lượng (mua - bán) phiên 12/4, song kết tuần lùi về 74,3-76,2 triệu đồng/lượng (mua - bán). Vàng nhẫn trước đó có một tuần tăng liên tục, có những phiên tăng cả triệu đồng.
Giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh rồi nhanh chóng lao dốc, cùng chiều với diễn biến của thị trường quốc tế. Sau khi xác lập đỉnh 2.430 USD/ ounce, giá kim loại quý quốc tế quay đầu giảm mạnh tới gần 90 USD/ounce và chốt phiên cuối tuần tại 2.343 USD.
Giới phân tích cho rằng thị trường đang điều chỉnh sau khi liên tiếp lập đỉnh gần đây. Việc thị trường biến động mạnh không phải là điều hiếm gặp, do thời qua diễn biến hàng ngày của vàng bị chi phối bởi các số liệu kinh tế vĩ mô và dự báo chính sách lãi suất. Philip Newman - Giám đốc hãng tư vấn Metals Focus - cho biết: "Chúng tôi tin rằng thị trường đã quá hưng phấn. Nhưng việc điều chỉnh sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn".
Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế phí, chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới quanh 12,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn vênh 4,5-5,5 triệu đồng, tùy thương hiệu và từng thời điểm.
Chỉ đạo quyết liệt
Tuần vừa rồi, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại nghị định số 24/2012 của Chính phủ, theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước.
Ngay sau đó, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thông tin đã sẵn sàng các phương án can thiệp và kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trên toàn quốc trong hai năm 2022-2023.
Với thị trường vàng miếng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói "sẽ triển khai ngay việc tăng cung vàng miếng" để giảm chênh lệch so với thế giới.
Lâu nay, SJC là đơn vị được giao độc quyền sản xuất vàng miếng nhưng trên thực tế chục năm qua, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho đơn vị này dập thêm. Do đó, nguồn cung mặt hàng này trở nên hạn chế và cũng là một nguyên nhân khiến vàng miếng neo cao so với thế giới.
Còn với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.
Đại diện đơn vị quản lý tiền tệ nói sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan để yêu cầu doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Song song đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giám sát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng. Cơ quan này và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4.
Với Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước thông tin đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung và triển khai trong thời gian tới.