Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng công khai nợ xấu
(Dân trí) - Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các ngân hàng phải công bố công khai nợ xấu, danh sách các ngân hàng thương mại yếu kém.
Theo báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 do Thủ tướng chủ trì, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh khác đang dao động từ 12-16%/năm.
Trong hai ngày 30 và 31/7, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo kế hoạch điều hành của Chính phủ, thời gian tới, sẽ triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn để cùng doanh nghiệp xử lý hai điểm nghẽn là “hàng tồn kho” và “nợ xấu”. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh giải ngân đầu tư từ ngân sách, bảo vệ, phát triển thị trường nội địa cho hàng Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại theo đúng lộ trình của Đề án đã được duyệt. Theo đó, cơ quan điều hành tiền tệ sẽ phải tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại, khẩn trương xử lý các ngân hàng yếu kém để lành mạnh hóa hệ thống. Việc điều hành lãi suất và kích thích tăng trưởng tín dụng đảm bảo ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Về nội dung này, Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các ngân hàng phải công bố công khai nợ xấu, danh sách các ngân hàng thương mại yếu kém.
Theo số liệu được đưa ra tại phiên họp này, hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phổ biến ở mức 11-13%/năm. Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh khác dao động từ 12-16%/năm. Thu ngân sách nhà nước đến ngày 15/7 ước đạt 49% dự toán và chi NSNN ước đạt 50,3% dự toán.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến 20/7, cả nước có gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 247.200 tỷ đồng, giảm 12,7% về số doanh nghiệp và giảm 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy, tính đến nay, cả nước có trên 663.800 doanh nghiệp đã được thành lập, trong đó có trên 468.600 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 70%. Đồng thời có trên 30.300 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011.
Chính phủ cũng đã thực hiện gia hạn số thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 4,5 và 6/2012 cho khoảng 208.250 lượt doanh nghiệp, với tổng số tiền thuế gia hạn xấp xỉ 10.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp được giải quyết gia hạn nợ thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 8.260 đơn vị, với tổng số thuế được gia hạn là 347,5 tỷ đồng. Phần giảm 50% tiền thuê đất, tổng số tiền thuê đất được giảm đạt 339 tỷ đồng với hơn 3.000 doanh nghiệp. Cùng với đó, hơn 40.000 hộ đánh bắt hải sản cũng đã được miễn thuế môn bài.
Trong 7 tháng đầu năm, ước giải quyết việc làm cho khoảng 825.000 lao động, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Tuy nhiên, cơ quan điều hành cũng nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Điều này thể hiện ở chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 7 tháng chỉ bằng khoảng 54,5% mức tăng của cùng kỳ năm 2011. Chỉ số CPI đã giảm liên tiếp 2 tháng (-0,26% và -0,29%). Tổng dư nợ tín dụng vẫn còn thấp, trong đó, dư nợ tín dụng với VNĐ chỉ tăng + 0,93%. Tình trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại chưa được giải quyết triệt để và số dư nợ xấu có xu hướng tăng theo thời gian. Nhập siêu giảm mạnh so với cùng kỳ (7 tháng đầu năm 2012 nhập siêu 58 triệu USD). Điều này phản ánh sản xuất trong nước còn gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành các tháng cuối năm 2012 của Chính phủ vẫn tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Đồng thời ,tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước thực hiện có kết quả tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Bích Diệp