Thủ tướng yêu cầu 34 Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, 7 địa phương kiểm điểm
(Dân trí) - Bộ trưởng, thủ trưởng của 34 Bộ, cơ quan và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm dưới 25% phải chịu trách nhiệm và kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấm dứt tình trạng giải ngân chậm.
Yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính được nêu rõ trong Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Theo Thủ tướng, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/7 mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%); thậm chí một số cơ quan chưa giải ngân.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Thủ tướng cho rằng việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương là yếu tố khách quan. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện.
"Một số Bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh..." - Thủ tướng nhấn mạnh.
Để đạt được tỷ lệ giải ngân năm nay trên 95% kế hoạch, góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài…
"Có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công" - Thủ tướng chỉ đạo và lưu ý kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng Bộ, cơ quan, địa phương do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các cấp đứng đầu. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ, cơ quan, địa phương mình.
"Yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng của 34 Bộ, cơ quan và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm dưới 25% (không bao gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội) chịu trách nhiệm và kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp cụ thể để khắc phục, không để tiếp tục tình trạng giải ngân chậm trong thời gian tới" - Thủ tướng kiên quyết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thực hiện nghiêm túc việc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm nay của các Bộ, cơ quan, địa phương đến ngày 30/9 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao từ đầu năm, cương quyết điều chuyển cho các Bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thời gian kiểm soát thủ tục rút vốn từ nhà tài trợ, bảo đảm đúng quy định; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ; công khai tình hình thực hiện và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các Bộ, cơ quan, địa phương.