Thủ tướng: “Tôi nghe có lãnh đạo Điện lực trước khi nghỉ hưu tuyển 200-300 người”
(Dân trí) - Nghe Chủ tịch EVN báo cáo về năng suất lao động thấp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt câu hỏi liệu có phải do tập đoàn này quá đông biên chế, khi mà có lãnh đạo Chi cục Điện lực trước khi nghỉ hưu cũng tranh thủ tuyển tới 200-300 người.
Bản báo cáo của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Hoàng Quốc Vương tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với Bộ Công Thương chiều qua (2/10) về tình hình sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 bị gián đoạn khá nhiều lần khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tục hỏi lại về những con số mà ông Vượng trình bày.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Hoàng Quốc Vượng cho biết, từ đầu năm 2014, EVN đã tập trung triển khai hai đề án lớn: một là đề án tối ưu hóa chi phí trong sản xuất kinh doanh và đầu tư; hai là đề nâng cao hiệu quả quản lý lao động.
Theo đó, tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đều được giao nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và đầu tư, giảm giá thành, tăng năng suất lao động, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Mục tiêu của EVN là đến năm 2020, năng suất lao động của EVN sẽ đạt tương ứng như của Egati (Thái Lan) hoặc Tenaga của Malaysia – ông Vượng nói.
Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch EVN báo cáo Thủ tướng tại phiên làm việc 2/10 (Ảnh: Moit)
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Nghe trình bày, Thủ tướng lập tức hỏi về năng suất lao động hiện tại của EVN. Ông Vượng báo cáo, hiện năng suất lao động của EVN thấp hơn, mới chỉ bằng hơn một nửa so với Malaysia và thấp hơn thế so với Egati.
Ví dụ, hiện tại, TCT Điện lực TPHCM năng suất cao nhất là 2,4 triệu kWh/người thì hiện nay ở Malaysia khoảng 2,9 triệu kWh/người, ở Egati khoảng 3,5 triệu kWh/người. Tepco (Nhật Bản) khoảng 7,5 triệu kWh, Kepco (Hàn Quốc) khoảng hơn 20 triệu kWh.
Ông Vương đảm bảo, cố gắng đến năm 2020 sẽ đuổi kịp năng suất lao động của các đồng nghiệp trong khu vực.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ đạo, EVN cần phải xem lại, năng suất lao động của ngành điện thấp do đâu? Do trình độ tay nghề của kỹ sư, công nhân thấp; hay do hệ thống nhà máy, hệ thống truyền tải, công nghệ lạc hậu; hay do EVN tuyển biên chế vào quá lớn?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích, ở đây, cách tính năng suất lao động là lấy giá trị gia tăng chia đều đầu người lao động. Như vậy, nếu như do biên chế tăng thì hoàn toàn không cần phải tới năm 2020 mới theo kịp các nước bạn.
Còn về vấn tay nghề, Thủ tướng cho biết, qua những lần làm việc với ngành điện, thì thấy rằng, “công nhân, kỹ sư ngành điện Việt Nam rất giỏi”.
Trước Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công thương, ông Vượng thừa nhận, “đúng là do biên chế của mình nhiều người”.
Thủ tướng nói: “Như vậy đâu có cần phải tới năm 2020! Tôi nói, bây giờ đầu tư nhà máy điện hiện đại hay hệ thống truyền tải thì cần phải có thời gian, có vốn liếng; còn đào tạo tay nghề cũng phải có thời gian. Nhưng tôi có nghe nhiều lần, vấn đề chính là nằm ở biên chế, thu nạp vào nhiều quá”.
“Có Chi cục Điện lực, tôi nghe không biết liệu chính xác không, tỉnh có báo cáo với tôi, đồng chí lãnh đạo trước khi nghỉ thu nạp 200-300 người vào, nghĩa là thế nào? Như thế thì năng suất lao động làm sao mà cao được?” – Thủ tướng đặt câu hỏi.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, EVN cũng như các doanh nghiệp nhà nước khác cần phải tính toán năng suất lao động một cách rõ ràng, và qua đó mới có thể thực hiện thành công tái cơ cấu.
Cũng có mặt tại cuộc họp, Tổng giám đốc EVN – ông Phạm Lê Thanh báo cáo thêm, năng suất lao động trong ngành điện mang tính đặc thù vì phụ thuộc vào trang thiết bị. Nếu như các nước gắn công tơ điện tử đo xa, gắn với số liệu truyền về trung tâm để in luôn hoa đơn, thu tiền cũng qua ngân hàng thì ở EVN, lượng nhân viên đi ghi chữ thu tiền rất đông,lên đến 67.000 công nhân viên làm trong các Tổng công ty điện lực.
Theo ông Thanh, hiện tại EVN đang triển khai gắn công tơ điện tử để đo từ xa, khuyến khích khách hàng nộp tiền qua điện thoại, ngân hàng và Tập đoàn cũng đã dừng thu nạp biên chế.
Bích Diệp