Thủ tướng: Tình trạng sở hữu nhà băng “chưa minh bạch”

(Dân trí) - Tính đến tháng 10/2014, ngành ngân hàng đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu, nhưng theo đánh giá của Thủ tướng, kết quả vẫn “chưa được như mong muốn”. Một trong những nguyên nhân là do vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém, tình trạng sở hữu chưa minh bạch.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2012 tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng lên đến 17%.

“Nợ xấu làm cho nhiều doanh nghiệp không vay được vốn, sản xuất kinh doanh khó khăn đình trệ, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống và tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu còn làm cho tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng không lành mạnh, thanh khoản khó khăn, một số ngân hàng thương mại đứng trước nguy cơ đổ vỡ, đe dọa an toàn hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và phê duyệt các Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Mục tiêu của xử lý nợ xấu là cải thiện thanh khoản, tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an toàn hệ thống. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa nợ xấu về mức an toàn trong kinh tế thị trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tính đến tháng 10/2014, ngành ngân hàng đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9 năm 2012 (465 nghìn tỷ đồng), chủ yếu bằng các giải pháp: Thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tài sản bảo đảm, trong đó có bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Công ty này đã mua gần 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định; trong đó đã bán, thu hồi được gần 4 nghìn tỷ đồng nợ xấu và có lãi.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 3,8% và có xu hướng giảm (tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%), ước tính đến cuối năm 2014 còn khoảng 2,5 - 2,7%. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7 - 4,2% so với mức 17% vào tháng 9 năm 2012. Ngân hàng Nhà nước đánh giá tỷ lệ nợ xấu cao hơn là do thực hiện giám sát và đánh giá lại chặt chẽ hơn việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng.

Thủ tướng cho hay, theo kinh nghiệm quốc tế, để xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả, các nước thường phải chi một khoản lớn từ Nhà nước, đồng thời phải có khung khổ pháp lý hoàn chỉnh về xử lý nợ xấu và có thị trường tài chính phát triển. “Việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn và cần phải có thời gian, do khung khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, không có nguồn ngân sách nhà nước và cũng chưa có kinh nghiệm xử lý. Kết quả xử lý nợ xấu đạt được trong thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn”, Thủ tướng đánh giá.

Dẫu vậy, theo thừa nhận của Thủ tướng, “kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn. Khung khổ pháp lý, tiềm lực tài chính, chức năng của VAMC; thị trường mua bán nợ; thanh tra giám sát… còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức tín dụng chưa cao; vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém, tình trạng sở hữu chưa minh bạch. Nhiệm vụ còn rất khó khăn. Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng”.

Trước thực tế này, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, nhất là các quy định về mua, bán nợ và tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền của chủ nợ.

Cùng với đó là hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực để phát huy vai trò của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trong xử lý nợ xấu, trong đó có việc mua bán nợ công khai minh bạch theo cơ chế thị trường.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ đẩy mạnh phát triển mạnh thị trường mua bán nợ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm, nhất là các đối tác chiến lược tham gia vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Và đặc biệt, Chính phủ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng. Nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật về tín dụng ngân hàng. Thực hiện các biện pháp về kinh tế và dân sự trong xử lý nợ xấu.

“Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động, công khai minh bạch về sở hữu và tình hình tài chính, nợ xấu và kết quả xử lý. Thực hiện các biện pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng, trích lập dự phòng rủi ro và thúc đẩy mua bán, sáp nhập tổ chức tín dụng theo quy định. Hoàn thiện thể chế luật pháp để xử lý nhanh, hiệu quả nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”