Thủ tướng: Tăng trưởng 6% cũng đã rất khó

(Dân trí) - “Giữ được mức tăng trưởng 5,9% năm nay là có phần do kích cầu chống suy giảm từ 2010, vốn đưa ra khi đó rất mạnh. Không thể nhìn vào con số này nói mục tiêu năm tới tăng 6% đơn giản” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo.

“Nhà nước phải xông vào gỡ khó cùng doanh nghiệp”

Phát biểu kết thúc Hội nghị Chính phủ mở rộng hôm nay, 24/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với thách thức lớn trong năm 2012. Khó khăn rất lớn, không thể chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được của năm qua.

Thách thức lớn nhất, Thủ tướng khẳng định là lạm phát vẫn cao. Từ tháng 8/2011 tới nay, đã 5 tháng liên tiếp giá cả tăng dưới 1 % nhưng nhìn lại, mức lạm phát 18,12% của cả năm vẫn là rất cao. Kết quả kiềm chế lạm phát có thể nói vẫn chưa vững chắc. Nếu không quyết liệt, nghiêm túc, kiên trì, lạm phát cao có thể quay trở lại. Lúc đó, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ bị đe dọa, các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra sẽ bị đảo lộn.

“GDP năm 2011 tuy đạt khá (5,9%) nhưng là có phần do kích cầu chống suy giảm từ 2010, vốn dưa ra khi đó rất mạnh. Trong khi đó, kinh tế năm 2011 khó khăn nên sẽ khó tạo được đà cho năm 2012. Không thể nhìn vào con số này nói mục tiêu năm tới tăng 6% đơn giản” - ông Dũng phân tích.

Thủ tướng: Tăng trưởng 6% cũng đã rất khó - 1
Thủ tướng: "Các địa phương phải xông vào cùng DN tháo gỡ khó khăn" (ảnh: Chinhphu.vn).

Những khó khăn được người đứng đầu Chính phủ lường trước có cả vấn đề đầu tư công khi sẽ chỉ có 180.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Số tiền này, theo tính toán, chỉ đủ cấp cho một nửa so với nhu cầu của những dự án “đã bày sẵn”, đang triển khai.  

Thủ tướng chỉ đạo tập trung, kiên trì mục tiêu kéo lạm phát xuống mức 9%. Giải pháp hàng đầu được xác định là điều hành tiền tệ chặt chẽ nhưng linh động, bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, việc tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường cũng được Thủ tướng nhấn mạnh. Trước mắt, dịp Tết Nguyên đán, phải kiểm soát hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng khan hàng, tăng giá, làm ảnh hưởng đển chỉ tiêu lạm phát của cả năm.

Thủ tưởng chỉ đạo NHNN kiểm soát tiền tệ, giữ mức tăng dư nợ tín dụng 15-17%, Bộ Tài chính bảo đảm giảm bội chi ngân sách xuống 4,8%; Bộ Công thương kiểm soát hàng hóa, ổn định giá cả, kiểm soát nhập siêu ở mức khoảng 10%.

Muốn kiểm soát nhập siêu, người đứng đầu Chính phủ phải đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập những mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nội địa có chất lượng, cạnh tranh về giá để nâng cao tỷ lệ sử dụng hàng Việt.

“Kinh nghiệm 2011 chúng ta ổn định được vĩ mô là nhờ nhiều vào giảm được nhập siêu, tăng xuất khẩu, cộng với kiều hối” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu giữ ổn định tỷ giá, giảm lãi suất phù hợp với lạm phát để tháo gỡ khó khăn cơ bản cho doanh nghiệp. "Các địa phương phải xông vào cùng với DN tháo gỡ khó khăn. Mục tiêu là duy trì GDP 2012 từ 6 - 6,5%" – ông Dũng nhấn mạnh.

Về tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng yêu cầu phải giảm đầu tư công. Đầu tư công tăng thì dẫn đến nợ công tăng. Nâng cao hiệu quả chất lượng đầu tư công, tập trung cho các công trình quan trọng, cấp bách cả kinh tế và xã hội và đã hoàn thành mà chưa thanh toán; các công trình sẽ hoàn thành trong 2012.

Có tình trạng cán bộ ngân hàng làm tín dụng đen

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nêu kế hoạch, năm 2012 sẽ tiếp tục  kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, giảm nhập siêu, tăng sử dụng máy móc, hàng hóa Việt.

Mục tiêu quan trọng được Bộ trưởng Hoàng trình bày là việc phấn đấu cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Năm 2012 phấn đấu không để xảy ra cắt điện, nếu có chỉ là tiết giảm cục bộ. Bộ trưởng đề nghị các địa phương phối hợp với ngành điện để giải quyết tốt vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các dự án điện, tổ chức tốt việc sử dụng tiết kiệm điện.  

Giải trình thêm với các địa phương về tình trạng nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng do lãi suất cao, dẫn đến phá sản, đình chỉ hoạt động, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay: “Trong 10 năm qua tăng trưởng tín dụng trung bình là 29%/năm; 5 năm gần đây là 33%/năm. Khi tăng trưởng tín dụng ngân hàng xuống 20% thì đương nhiên ít nhất 10% doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng ngân hàng”.

Ông Bình tính toán, năm 2011, tăng trưởng tín dụng ngân hàng thực tế chỉ là 12% (so với mức không chế 20% đặt ra) nên việc các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng dễ hiểu. Làm chặt vậy mà lạm phát vẫn là 18%. Nếu tăng trưởng tín dụng ngân hàng 20% thì lạm phát phải lên tới 23% và tăng như các năm trước thì lạm phát phải 30% - mức siêu lạm phát. Khi đó, Việt Nam sẽ không phải là lạm phát cao hàng đầu thế giới mà sẽ là “quán quân” với khoảng cách vượt rất xa nước đứng vị trí thứ 2.

Về vấn đề lãi suất cao khiến DN gặp khó, Thống đốc xác nhận đó là hệ lụy của chính sách kiềm chế lạm phát. Việc một số DN khó tiếp xúc vốn ngân hàng là có thực, ông Bình kêu gọi các DN chia sẻ với tình hình khó khăn chung. Thống đốc cũng hứa, đầu 2012, sẽ có những chính sách phù hợp như giãn, hoãn, khoanh nợ cho một số đối tượng để giảm bớt khó khăn.

Về vấn đề lãi suất, một số địa phương cho rằng cần nâng cao lãi suất huy động, đồng thời nên áp dụng trần cho vay thay vì trần huy động như hiện nay.

Ông Bình dí dỏm: "Bản thân tôi cũng muốn khi đi vay thì thấp và gửi thì lãi phải cao. Nhưng điều này phải hài hòa, phải bảo đảm cả lợi ích người vay và cho vay. Vừa qua khi áp dụng trần lãi suất huy động, do làm không nghiêm nên các ngân hàng đua nhau lãi suất huy động, cho vay. Đến khi ngân hàng kiên quyết làm trần lãi suất huy động là 14%/năm thì mới phần nào lập lại trật tự".

Về vấn đề tín dụng đen đang có chiều hướng bùng phát hiện nay, Thống đốc cho rằng khi khó tiếp cận vốn ngân hàng thì tín dụng đen sẽ phát triển. “Vừa qua, có một số cán bộ ngân hàng thương mại cấu kết với đối tượng bên ngoài để làm tín dụng đen, điều này sẽ phải xử lý nghiêm. Không thể để tín dụng đen phát triển nhất là trong bối cảnh kiềm chế lạm phát. Tới đây sẽ rà soát chặt chẽ để giảm tín dụng đen” - ông Bình cam kết.

P.Thảo