Thủ tướng: “Sức khỏe” tài chính Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua Covid-19

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Theo Thủ tướng, “sức khỏe” của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của Covid-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính “khỏe mạnh”.

Kết luận phần thảo luận kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 vào hôm nay (4/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhiều vấn đề quan trọng.

Nền tài chính Việt Nam “khỏe mạnh”

Theo Thủ tướng, lạm phát đang được kiểm soát tốt, giảm dần xuống dưới mức mục tiêu, nhưng không được chủ quan. Lạm phát dưới 4% là khả thi nhưng đòi hỏi phải phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa tốt hơn nữa.

Giải ngân vốn đầu tư công duy trì đà tăng tích cực, tổng mức thực hiện 8 tháng đầu năm đạt hơn 250.000 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ. Một số thủ tục về đầu tư các công trình trọng điểm của Bộ Giao thông vận tải đã được giải quyết. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư với quyết tâm chỉ đạo như vừa qua, tiếp tục điều chuyển vốn từ nơi không thể tiêu tiền sang nơi có thể.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, “sức khỏe” của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của Covid-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính “khỏe mạnh”, bao gồm 4 nhân tố: Nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối.

Đặc biệt, các cân đối vĩ mô ổn định. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với giai đoạn 2008-2011, tình trạng bất ổn vĩ mô nghiêm trọng đã xảy ra lúc bấy giờ.

Thủ tướng: “Sức khỏe” tài chính Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua Covid-19 - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020

Thủ tướng cũng nhắc đến những khó khăn hiện nay: Tiêu dùng chưa phục hồi. Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn. Chỉ số PMI trong tháng 8 giảm. Thu hút vốn FDI có tiến bộ, đạt được gần 20 tỷ USD nhưng có hiện tượng chững lại, giảm so với cùng kỳ.

“Chúng ta ghi nhận kết quả nhưng phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, xúc tiến tốt hơn để FDI vào Việt Nam tốt hơn” - Thủ tướng nói.

Chú ý thị trường nội địa 100 triệu dân

Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng yêu cầu phải chú trọng đẩy mạnh hơn xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa với 100 triệu dân. Không chỉ chú ý đến doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phải đặc biệt quan tâm đến những doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa.

“Chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào để phấn đấu tăng trưởng mức cao nhất” - Thủ tướng nói và cho biết: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ cho doanh nghiệp, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại.

Ngân hàng Nhà nước phải sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến.

Thủ tướng: “Sức khỏe” tài chính Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua Covid-19 - 2

Phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 4/9

Còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các địa phương nên có chương trình hành động cụ thể để thực hiện trong 4 tháng cuối năm. Tiếp tục đôn đốc, giám sát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, những chủ trương, biện pháp, những nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ cần được đẩy mạnh. Cũng cần lưu ý không vì mục tiêu thúc đẩy giải ngân nhanh mà làm ẩu, gây lãng phí, kém hiệu quả hay báo cáo không trung thực.

Thủ tướng một lần nữa yêu cầu các bộ có liên quan, đặc biệt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư để thu hút FDI có sàng lọc. Các địa phương có thể điều chỉnh linh hoạt về khu công nghiệp, cần ưu tiên mở rộng hoặc xây mới, thu lại những khu công nghiệp không thể làm được, công bố khu công nghiệp sẵn sàng về quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa và nêu rõ phải có những chính sách cụ thể về du lịch nội địa, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...

Về việc mở lại các chuyến bay thương mại, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lây lan. Ngành y tế đề xuất phương án cách ly phù hợp đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao.