Thủ tướng nói với CEO Trung Quốc: Hãy đưa công nghệ tiến bộ vào Việt Nam

(Dân trí) - Phát biểu với các CEO doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc chiều nay (11/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng tôi coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Chính phủ. Nhưng cũng lưu ý các nhà đầu tư bảo vệ môi trường cho tốt, không đầu tư bằng bất cứ giá nào...”.

Thủ tướng nói với CEO Trung Quốc: Hãy đưa công nghệ tiến bộ vào Việt Nam - 1

Chiều 11/9, tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị bàn tròn đối thoại với giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc.

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam – Trung Quốc có tình hữu nghị gắn bó mật thiết, “núi sông liền một dải, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan”, quan hệ hợp tác trên tinh thần 16 chữ.

Thủ tướng: Việt Nam muốn nhận công nghệ tiến bộ chứ không phải công nghệ lạc hậu

Đặt câu hỏi vì sao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại chậm tiến độ, Thủ tướng đồng thời cũng lưu ý với các CEO Trung Quốc, Việt Nam muốn nhận những công nghệ tiến bộ chứ không phải là đưa công nghệ lạc hậu vào.

Thủ tướng cho biết, đến nay Việt Nam có 21.000 dự án đầu tư của trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD. Trong đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khoảng 1.500 dự án, tổng vốn 11 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Ghi nhận về những “tấm gương tốt” trong đầu tư, hợp tác song phương, Thủ tướng đánh giá cao các dự án của Tập đoàn Dệt may Thiên Hồng, của Công ty Điện lưới Nam Trung Quốc… Và phía Việt Nam cũng có những dự đầu tư vào Trung Quốc như Đức Long Gia Lai đầu tư 2 nhà máy với 5.200 lao động, sản xuất, xuất khẩu đèn led sang Mỹ và xuất về Việt Nam. Tuy nhiên, còn không ít công trình không được như kỳ vọng.

Cụ thể, Thủ tướng đặt câu hỏi: “Làm sao công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông lại có tiến độ triển khai rất chậm? Vì sao chậm, kéo dài?”.

Bên cạnh đó, một số nhà máy nhiệt điện đầu tư tại Việt Nam cũng rất chậm, gây ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khác. Một số dự án của Trung Quốc sử dụng thiết bị còn chưa tính toán đến tác động đến môi trường.

“Chính vì thế tôi muốn nói đến một nền kinh tế mới của Trung Quốc với thiết bị công nghệ hiện đại, công nghệ cao. Như những gì anh Jack Ma nói, rất tuyệt vời! Hãy vào Việt Nam, Việt Nam muốn nhận những công nghệ tiến bộ đó chứ không phải là đưa các công nghệ lạc hậu vào”, Thủ tướng nói với các CEO Trung Quốc tại hội nghị.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, cơ hội, không gian, tiềm năng hợp tác vào Việt Nam là rất lớn, kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng mở rộng, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thế hệ mới, trong đó có Đối tác toàn diện khu vực RCEP, có liên quan trực tiếp với Trung Quốc.

“Chính phủ Việt Nam, nhân dân Việt Nam vui mừng đón nhận những xí nghiệp, những công ty làm ăn tốt, công nghệ, thiết bị bảo vệ môi trường tốt vào Việt Nam. Nền tảng chính trị là cơ sở quan trọng để chúng ta phát huy các thế mạnh về thương mại, đầu tư một cách tốt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng thông báo, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đã tăng 3 bậc, đứng thứ 5 trên 10 nước ASEAN và phấn đấu, trong năm 2017, Việt Nam sẽ vào tốp ASEAN-4. “Chúng tôi coi thắng lợi, thành công của các nhà đầu tư là thành công của Chính phủ, các cấp chính quyền. Ngược lại, họ thất bại thì chính là mình thất bại”, Thủ tướng nói trong tiếng vỗ tay hoan nghênh của các đại biểu tại hội nghị.

“Chúng tôi đang xây dựng một môi trường kinh doanh cởi mở, lành mạnh để doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm làm ăn. Không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi khuyến khích mọi thành phần doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp Trung Quốc; đầu tư vào hầu hết lĩnh vực, kể cả chứng khoán, ngân hàng - trực tiếp hoặc gián tiếp”, Thủ tướng cho hay.

Cho rằng việc xuất nhập khẩu là theo nhu cầu của các doanh nghiệp mỗi nước, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng của nền kinh tế Việt Nam là cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, bảo đảm phát triển bền vững. “Trước đây nhập siêu lớn thì xu hướng sẽ giảm xuống và năm nay giảm xuống rõ hơn nữa giữa Việt Nam – Trung Quốc là xu hướng đáng mừng trong quan hệ hai nước”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, máy móc thiết bị, điện lực, năng lượng tái tạo, du lịch, thương mại, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của Việt Nam.

Đối thoại của CEO Trung Quốc với lãnh đạo các Bộ, ngành Việt Nam

Tại cuộc đối thoại, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng trung ương của hai nước đã ký kết hiệp định về hợp tác và thanh toán. Đến nay, hầu hết các ngân hàng Việt Nam đã thiết lập quan hệ đại lý và thanh toán với các ngân hàng Trung Quốc. Trong khuôn khổ hiệp định hợp tác, hệ thống ngân hàng hai nước đã tổ chức thực hiện thanh toán bằng đồng bản tệ đối với các tỉnh biên giới.

Ngân hàng trung ương hai nước cũng đã có cuộc làm việc đánh giá việc thực hiện thanh toán bằng bản tệ trong thương mại biên mậu và thấy rằng, bên cạnh kết quả tích cực, còn một số vướng mắc, bất cập trong bối cảnh quan hệ kinh tế, thương mại ngày càng phát triển. Hai bên đã đưa ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy việc thanh toán bằng bản tệ.

Trả lời câu hỏi về kế hoạch phát triển nền kinh tế số của lãnh đạo Tập đoàn Hoa Vi, chuyên về công nghệ thông tin và viễn thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, Việt Nam coi công nghệ thông tin, viễn thông là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế, là hạ tầng cho các ngành khác phát triển. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển lĩnh vực này như xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ hoạt động của Chính phủ, doanh nghiệp , người dân hiệu quả hơn.

Trước sự quan tâm của Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc, doanh nghiệp đã đầu tư triển khai dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân về những yêu cầu trong hợp tác năng lượng giữa hai nước và các chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, phục vụ phát triển kinh tế thì nhu cầu về năng lượng tăng trưởng 10-12%/năm. Do đó, nguồn điện cần được ưu tiên phát triển, trong đó có nguồn năng lượng tái tạo.

“Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 20%, việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam như điện gió, mặt trời có dư địa rất lớn. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến năng lượng tái tạo”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bích Diệp- Phương Dung