1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng nói về chuyện người Việt đưa tiền ra nước ngoài mua nhà, đầu tư

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dòng tiền đưa ra nước ngoài đã minh chứng Việt Nam là môi trường tự do kinh doanh rất tốt. Song, việc đưa tiền ra nước ngoài cũng là hiện tượng cần suy nghĩ.

Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra tại Hà Nội vào sáng nay (31/7) về thông tin người Việt Nam chuyển tiền sang Mỹ để mua nhà, ông Don Lâm, đại diện Quỹ đầu tư Vinacapital cho rằng, con số thực có thể còn lớn hơn 3 tỷ USD mà báo chí trong nước dẫn từ báo cáo của một tổ chức ở Mỹ.

Ông Don Lam nói: "Theo một số báo chí khảo sát với chuyên gia tư vấn định cư, mỗi năm doanh nhân Việt Nam đem vài tỷ đô la để ra nước ngoài mua nhà hoặc đầu tư các dự án để sinh sống. Và theo World Bank, kiều hối gửi về Việt Nam cũng khoảng 13-14 tỷ USD 1 năm. Tôi nghĩ rằng số tiền ra khỏi Việt Nam khá lớn vì có thể các doanh nhân chưa yên tâm lắm với môi trường đầu tư trong nước, các quy định còn phức tạp, hay thay đổi nên rủi ro kinh doanh nâng cao. Vì vậy để giữ dòng tiền đó ở lại Việt Nam đầu tư và kêu gọi nhà đầu tư trong nước thì chúng ta nên làm gì?"

"Hiện tượng cần suy nghĩ"

"Điều này cho thấy môi trường đầu tư còn có nhiều rủi ro khiến giới doanh nhân chưa yên tâm. Chính phủ có cách gì để doanh nghiệp trong nước yên tâm rót tiền vào đầu tư?", ông Lâm nói.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông, có ý kiến lý giải rằng con số này một phần nằm trong nguồn kiều hối mà kiều bào đưa vào và sau đó chảy ra lại ra nước ngoài. Do đó, cần phải xem xét kỹ để có được con số chính xác.

“Cần phải so sánh cụ thể con số tiền đem ra và kiều hối về nước. Con số 13-14 tỷ USD gửi ở nước ngoài là kiểu hối tự vệ. Dòng tiền ra nước ngoài đó có thể là kiều hối đem về và lại chảy ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội khác”, ông Đông nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam sáng 31/7. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam sáng 31/7. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dòng tiền đưa ra nước ngoài đã minh chứng Việt Nam là môi trường tự do kinh doanh rất tốt. Song, việc đưa tiền ra nước ngoài cũng là hiện tượng cần suy nghĩ, trong đó có việc duy trì lãi suất 0% với đồng USD.

"Ví dụ như có chăng vì vấn đề lãi suất USD bằng 0 chẳng hạn. Cho nên, ngành ngân hàng nên quan tâm để có chính sách thu hút nguồn lực trong dân", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết, Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ đề án Phát triển kinh tế tư nhân, bảo vệ sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

"Chúng ta cần có chính sách đảo chiều dòng tiền nhằm thu hút đầu tư, phải tạo điều kiện để hút dòng tiền vào trong nước thông qua tiếp tục cải cách môi trường đầu tư. Thực tế đã có những ví dụ rất thành công như một số quỹ đầu tư nước ngoài như VinaCapital, từ chỗ chỉ 10 triệu USD thì nay tài sản đã vượt 3 tỷ USD", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp cùng bày tỏ về những vướng mắc, vấn đề chi phí đối với doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình, theo thống kê hiện nay các doanh nghiệp phải trả tới 34,5% chi phí bao gồm tiền lương và an sinh xã hội (bao gồm các khoản bảo hiểm và các loại phí khác). Mức chi phí này cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông cho biết ông cũng đã nhận được rất nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp về gánh nặng chi phí này.

"Nếu chúng ta tiếp tục đẩy chi phí này cao hơn thì không phải là giúp người lao động mà đang đẩy họ vào nguy cơ mất việc làm. Bởi một khi doanh nghiệp không cạnh tranh và phát triển được thì sẽ phải cân nhắc, tính toán việc tinh giản bộ máy. Kế hoạch và đầu tư đang tiến hành rà soát vấn đề chi phí này và sẽ đưa ra những kiến nghị phù hợp”, ông Đông nói.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, với con số doanh nghiệp ra đời đạt kỷ lục trong năm 2016 và tiếp tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2017 cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện rõ nét. Luật pháp của Việt Nam cũng ngày được cải thiện hơn. World Bank đã đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc.

Tuy nhiên Thủ tướng thừa nhận, Chính phủ cũng nhận được được còn nhiều tồn tại, trong đó có vấn đề chi phí. "Chi phí bến bãi, lãi vay ngân hàng, chi phí giao thông, logistics… còn nhiều bất cập.

"Chính phủ đang cố gắng nỗ lực thúc đẩy giảm chi phí để tạo hiệu quả đầu tư tốt hơn nữa cho doanh nghiệp. Vừa qua hệ thống ngân hàng đã tiến hành giảm lãi suất ở mức 0,5%. Các chi phí khác như bảo hiểm, BOT... sẽ tiếp tục được rà soát để giảm cho doanh nghiệp", Thủ tướng nói.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm