Thủ tướng "lệnh" giải cứu hàng ngàn tấn gạo ùn tắc ở cửa khẩu

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh biên giới, cơ quan liên quan rà soát các lối mở biên giới có đủ điều kiện để cho phép xuất khẩu gạo qua biên giới theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về tình hình xuất khẩu gạo mới đây.

 

Thông báo nêu rõ, những tháng đầu năm 2015, tình hình xuất khẩu gạo gặp khó khăn, số lượng và giá trị xuất khẩu gạo giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2014.

 

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo, tiêu thụ tối đa lượng gạo hàng hóa trong dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, phân tích kỹ tình hình xuất khẩu gạo giảm tại từng thị trường trong những tháng đầu năm 2015; xác định rõ nguyên nhân, điểm yếu, hạn chế cần khắc phục; từ đó có những giải pháp cụ thể để giải quyết.
 
Thủ tướng lệnh giải cứu hàng ngàn tấn gạo ùn tắc ở cửa khẩu

 

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương cần xác định hoạt động xúc tiến thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phát huy mạnh mẽ vai trò của VFA, các thương nhân xuất khẩu gạo, nhất là vai trò chủ đạo của Vinafood 1 và Vinafood 2; chú trọng các thị trường lớn, thị trường tập trung truyền thống (Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia), khôi phục các thị trường Châu Phi, Hồng Kông và mở thêm các thị trường tiềm năng (Nga, Châu Mỹ La tinh...).

 

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với VFA, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nắm chắc nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài về số lượng, chủng loại, yêu cầu chất lượng gạo để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất cho phù hợp về quy mô, cơ cấu giống, quy trình canh tác, yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh biên giới, cơ quan liên quan rà soát các lối mở biên giới có đủ điều kiện để cho phép xuất khẩu gạo qua biên giới theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động theo dõi sát tình hình tiêu thụ và giá thóc gạo trên thị trường để xem xét, trình cấp có thẩm quyền biện pháp điều tiết thị trường gạo phù hợp,  kịp thời, theo đúng quy định pháp luật.

 

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đối với ngành lúa gạo phải căn cứ nhu cầu, yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước để cơ cấu lại sản xuất lúa cho phù hợp, đẩy mạnh liên kết, đặt hàng với người nông dân; giảm diện tích sản xuất lúa hiệu quả thấp; có lộ trình và chính sách phù hợp để chuyển sang sản xuất những loại nông sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Bộ Tài chính xem xét đề nghị về việc bỏ quy định áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với gạo sản xuất, tiêu dùng trong nước để có giải pháp xử lý bảo đảm công bằng và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng gạo sản xuất trong nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2015.

 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho tiếp cận vốn, tín dụng với lãi suất ưu đãi để phục vụ sản xuất, kinh doanh lúa gạo.

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu VFA, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chủ lực là Vinafood 1 và Vinafood 2, chủ động tìm kiếm, ký kết các hợp đồng xuất khẩu, quản lý chặt chẽ chi phí để đẩy mạnh xuất khẩu gạo có hiệu quả.
 
Sau khi diễn ra cảnh ùn tắc hàng nghìn tấn dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh, mới đây theo thông báo từ cơ quan hải quan, gần 30.000 tấn gạo cũng rơi vào tình trạng ùn ứ ở cửa khẩu Lào Cai. Nguyên nhân là do thời điểm này phía Trung Quốc đang siết quản lý nhằm kiểm soát tình trạng nhập lậu khiến các thương lái và doanh nghiệp Trung Quốc ngừng nhập gạo Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của báo chí tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều qua (25/4), Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố mùa vụ của sản xuất nông nghiệp, sức tiêu thụ của thị trường giảm sút. “Tuy nhiên, còn do các nước nhập khẩu thay đổi phương thức quản lý, điều hành, tăng cường áp dụng các rào cản thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước. Đồng thời cạnh tranh xuất khẩu cũng diễn ra ngày càng gay gắt”, Bộ trưởng nói.

 Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”