1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thủ tướng họp với 19 doanh nghiệp Nhà nước

Ghi Du

(Dân trí) - Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng cho rằng đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Sáng 18/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trực thuộc Ủy ban về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Với mục đích tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý Nhà nước đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp, năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban và giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty (trước đây thuộc 5 bộ).

Việc này được đánh giá góp phần quan trọng để các bộ làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước, tập trung vào ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật, kiểm tra, thanh tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Sau gần 5 năm thành lập Ủy ban, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành kết luận đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện mô hình Ủy ban là cơ quan trực thuộc Chính phủ, làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục hoàn thiện mô hình, đổi mới hoạt động của Ủy ban để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Thủ tướng họp với 19 doanh nghiệp Nhà nước - 1

Thủ tướng làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước (Ảnh: VGP).

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Theo Thủ tướng, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. An sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được củng cố, đối ngoại và hội nhập tiếp tục được mở rộng, tăng cường…  

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, nộp ngân sách, tạo việc làm, trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban.

Đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước và nắm giữ khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy nhiên, đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.

Thủ tướng đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng về những thành tựu, kết quả đã đạt được để tiếp tục phát huy, chỉ ra những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, rút ra các bài học kinh nghiệm, dự báo các khó khăn cần giải quyết, những thách thức cần vượt qua, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty.

Trong đó, tập trung vào một số nội dung như mô hình, tổ chức hoạt động của Ủy ban; cơ chế, chính sách với các doanh nghiệp; sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các doanh nghiệp…