Thủ tướng: Độ mở ngành ngân hàng Việt Nam sẽ không thua nước nào trong khu vực!
(Dân trí) - Kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ, Thủ tướng cho biết, Việt Nam mở cửa tất cả các lĩnh vực, kể cả dầu khí, ngân hàng, viễn thông. Riêng ngành ngân hàng đang có đề án nới room nước ngoài vượt 30%.
Thủ tướng: Đến 2020 sẽ cổ phần hóa toàn bộ 100 Tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Những vấn đề “nóng” của kinh tế Việt Nam hiện nay như "phá băng" bất động sản, nợ xấu ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đều đã được các đại diện doanh nghiệp Mỹ đưa ra tại phiên đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trưa 27/9 tại New York (theo giờ địa phương).
Dưới đây, Dân trí tường thuật lại một cách đầy đủ nội dung buổi đối thoại để độc giả theo dõi:
Thưa Thủ tướng, hồi tháng 5/2013 chúng tôi đã đầu tư 200 triệu USD vào Tập đoàn Vingroup của Việt Nam. Tuy nhiên đến nay thị trường vẫn còn rất ảm đạm. Chính phủ Việt Nam có những dự định gì để kích cầu bất động sản trong nước?
Tôi cũng đã gặp các bạn ở Hà Nội, tôi hoan nghênh đầu tư của các bạn vào Tập đoàn Vingroup – hoạt động đầu tư đầu tiên của một tập đoàn nước ngoài vào một tập đoàn bất động sản của Việt Nam.
Trên thực tế, do tác động của khủng hoảng nên thị trường động sản của Việt Nam đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã đưa ra một loạt biện pháp để làm ấm dần và phục hồi dần thị trường bất động sản. Có thể kể đến các biện pháp như quy hoạch lại, phân khúc lại thị trường, cải cách thủ tục hành chính, mở rộng phạm vi tín dụng cho người mua bất động sản, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản.
Những giải pháp đó không có gì mới và cũng giống những giải pháp mà Mỹ, Nhật và một số thị trường khác đã làm. Chúng tôi gắn kết những giải pháp đó với tính đặc thù của thị trường Việt Nam. Và tôi tin rằng trong thời gian không xa, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ phục hồi và phần đầu tư của ngài sẽ thành công
Gần đây Ngân hàng Thế giới (WB) đã có một báo cáo rằng cải cách DNNN đóng một phần rất quan trọng đối với quá trình thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Thủ tướng có thể thông tin sơ bộ cho chúng tôi được biết về tình hình cải cách DNNN của Việt Nam cũng những thách, khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải trong quá trình này hay không?
Nếu như năm 2001 chúng tôi có 12.000 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì tới thời điểm hiện nay, số lượng các doanh nghiệp sở hữu 100% vốn nhà nước còn 700 đơn vị. Số giảm trước đó chúng tôi đã thực hiện cổ phần hóa, tư nhân hóa toàn bộ.
Bây giờ, 1.300 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước còn lại đang nằm trong 100 tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Chủ trương của chúng tôi là từ nay đến năm 2020, tức còn khảng 7 năm nữa, sẽ cổ phần hóa toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước này - trong đó có cả các ngân hàng vốn nhà nước của Việt Nam.
Ở đây cũng đang có sự xuất hiện của ông Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng Không (Việt Nam Airlines) cũng đã lên kế hoạch cổ phần hóa xong rồi, đang kêu gọi nhà đầu tư chiến lược. Mời các bạn tham gia!
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như dầu khí, viễn thông, ngân hàng… tất cả các lĩnh vực này chúng tôi đều đã lên kế hoạch và kêu gọi tìm nhà đầu tư để cải cách, đưa các DNNN mà chúng tôi đang sở hữu hoạt động theo kinh tế thị trường, minh bạch, cạnh tranh.
Chúng tôi đã đi được một chặng đường dài, chắc chắn rằng chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra! Trong quá trình này, tôi rất hoan nghênh các bạn tham gia cùng với chúng tôi.
Cảm ơn Thủ tướng đã đưa một cam kết rất cụ thể về quá trình cổ phần hóa DNNN. Tôi là đồng chủ tịch một quỹ đầu tư tài chính ở Việt Nam. Hiện có một vấn đề mà các doanh nghiệp ở đây đang hoạt đầu tư trên thị trường vốn rất quan tâm, đó là những quy định pháp lý, thủ tục, các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng và DNNN. Năm 2007, chỉ số cạnh tranh của Việt Nam rất cao, nhưng bây giờ không còn cao như vậy.
Tôi muốn hỏi Chính phủ Việt Nam hiện đang có những chính sách nào để khuyến khích các nhà đầu tư tài chính quay trở lại Việt Nam và cung ứng nguồn vốn của họ cho Việt Nam? Việt Nam sẽ làm gì để thay thay đổi mức trần giới hạn đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp Việt Nam?
Với những tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam nay đã không tăng trưởng cao như 10 năm trước là 7-7,2% nhưng 3 năm qua, chúng tôi đã chủ động kiểm soát tăng trưởng chậm lại để ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Trong 3 năm vừa qua, tăng trưởng GDP của chúng tôi vẫn đạt 5,6%. Nợ xấu ngân hàng Việt theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dựa trên thông lệ quốc tế mới thảo luận với tôi chiều hôm qua, là 7%.
Điều quan trọng là Việt Nam đã kiểm soát được nợ xấu không tăng lên. Mục tiêu chúng tôi đưa ra, là với nhiều giải pháp thích hợp, đến cuối năm 2015 nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ được đưa xuống dưới 3%. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã cam kết trước Quốc hội, trước nhân dân điều đó. Chúng tôi tin là chúng tôi là chúng tôi làm được !
Vấn đề thứ hai mà tôi muốn đề cập ở đây, chúng tôi đã mở cửa thị trường, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường tiền tệ, thị trường vốn của Việt Nam.
Hiện nay, đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào thị trường chứng khoán khá tốt. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo với tôi, tổng số đầu tư vào thị trường này gần đây đã lên con số 8 tỷ USD. Mới tối đây tôi đã chứng kiến lễ ký hợp đồng giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với Tập đoàn MetLife trong lĩnh vực bảo hiểm thành lập Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ BIDV MetLife.
Mới đây, trong chuyến thăm Cộng hòa Pháp, tôi cũng đã ký cấp phép cho BNP Paribas có ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoặc chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng đang có lộ trình tăng tỷ trọng đầu tư (room) của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam. Hiện nay, mức trần cho room nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam là 30%. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đang trình phương án tiếp tục mở thêm room này một cách thích hợp, phù hợp với điều kiện cụ thể với từng ngân hàng. Nhưng chắc chắn độ mở trong thị trường này của Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào trong khu vực.
Mời các bạn tham gia vào thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam. Cảm ơn!
Bích Diệp (ghi)