Thủ tướng chỉ thị: Bình ổn giá những tháng cuối năm

(Dân trí) - Để kiềm chế tốc độ tăng giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế theo Nghị quyết Quốc hội đề ra, ngày 3/8, Thủ tướng Chính Phủ Phan Văn Khải đã ban hành Chỉ thị số 28/2005/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong những tháng cuối năm 2005.

Từ đầu năm đến nay, giá cả nhiều loại vật tư, hàng hoá trên thị trường thế giới mà nước ta phải nhập khẩu với khối lượng lớn để phục vụ nhu cầu trong nước như: xăng dầu, phôi thép, hoá chất, thuốc tân dược, khí đốt hoá lỏng... vẫn đứng ở mức cao. Nhiều loại hàng hoá tiếp tục tăng giá, nhất là xăng dầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nước ta... Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì các cơ quan liên quan, địa phương rà soát, đánh giá tình hình thực tế về đầu tư, sản xuất ở tất cả các khâu, các cấp, các ngành để có biện pháp cụ thể, phù hợp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm giữ vững cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

Bộ Tài Chính quản lý mọi hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước một cách chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm theo đúng Luật Ngân sách nhà nước; tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhất là tiết kiệm trong tiêu dùng (đặc biệt là tiết kiệm xăng dầu, điện năng), tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và tiết kiệm trong xây dựng cơ bản.

Bên cạnh đó, Bộ phải thực hiện quyết liệt các biện pháp lành mạnh, minh bạch tài chính doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước; tăng cường chỉ đạo và tổ chức tốt hơn hoạt động của thị trường chứng khoán.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ tích cực, chủ động điều hành linh hoạt tỷ giá, lãi suất theo hướng khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu... Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, cho vay các dự án có hiệu quả.

Bộ Thương mại có các giải pháp cụ thể, tích cực mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời chủ trì cùng các Bộ, các ngành liên quan theo dõi, dự báo tình hình thị trường để có các giải pháp cụ thể điều hoà cung cầu hàng hoá, không để xảy ra những mất cân đối cục bộ, kiểm soát và ngăn chặn độc quyền trong kinh doanh, lưu thông hàng hoá.

Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tê, Bưu chính- Viễn thông, Văn hoá - Thông tin... phối hợp cùng nhau giải quyết các vấn đề kiên quan và thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Bộ mình...

Nguyễn Hiền