Thủ tướng chỉ đạo chống thất thu thuế từ bất động sản

Phương Liên

(Dân trí) - Thủ tướng nhấn mạnh năm 2024, cần tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 21 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.

Thu hút vốn từ trái phiếu, chứng khoán, bất động sản

Năm 2024, kinh tế Việt Nam dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực cũng biến động không ngừng, ngày càng khó lường hơn. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các doanh nghiệp tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Cụ thể, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương dựa trên kết quả 6 tháng đầu năm, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, cần làm rõ công tác điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời, làm rõ công tác điều hành tín dụng, lãi suất, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh; tình hình sản xuất công nghiệp; xuất nhập khẩu; thu hút đầu tư xã hội, vốn FDI; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản…

Thủ tướng yêu cầu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 phải được xây dựng trên cơ sở thực hiện của năm 2023; dự báo sát tình hình trong nước và thế giới để có giải pháp ứng phó phù hợp, hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh nước ta phải chịu sự tác động nặng nề với hậu quả còn lâu dài của đại dịch Covid-19. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp, các địa phương, gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực", chỉ thị nêu.

Thủ tướng chỉ đạo chống thất thu thuế từ bất động sản - 1

Năm 2024 được dự báo còn nhiều khó khăn, nhưng cũng là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025 (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Đặc biệt quan tâm chống thất thu thuế trong kinh doanh bất động sản

Chỉ thị yêu cầu dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024 phải đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời các nguồn thu của ngân sách Nhà nước, đi đôi với phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước.

Cùng với đó, dự toán cũng phải tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về hỗ trợ thuế, phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; tăng, giảm thu ngân sách khi Chính phủ thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư nước ngoài.

Tiếp tục cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh trong điều kiện phát triển kinh tế số, giao dịch điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

Năm 2024, dự toán thu nội địa không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023.

Đối với dự toán chi ngân sách Nhà nước, phải xây dựng đảm bảo các quy định của pháp luật; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên ngân sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách, gắn với việc đẩy mạnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập...

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024, vốn tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ cấp bù lãi suất, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, vốn cho các dự án chuyển tiếp theo tiến độ.