Thủ tướng: Cần nâng cao vai trò tham mưu của Ban Kinh tế Trung ương
Thủ tướng yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa để làm tốt công tác tham mưu của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Sáng nay 19/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về nhiệm vụ công tác trọng tâm của Ban kinh tế Trung ương trong năm 2014.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã báo cáo về tình hình thực hiện công tác năm 2013 và nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2014, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đối với các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến tổng kết 30 năm đổi mới, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nghiên cứu, đề xuất xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Theo định kỳ hằng năm, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Kinh tế Trung ương để chỉ đạo công tác, nhất là các vấn đề liên quan đến chức năng nghiên cứu, đề xuất các vấn đề lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội của Ban.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương là cần thiết, phù hợp. Thủ tướng cũng đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của Ban Kinh tế Trung ương năm qua. Thủ tướng cho rằng: Trong điều kiện tái lập, nhiều khó khăn, thử thách, cán bộ của Ban còn thiếu, song Ban Kinh tế Trung ương đã chú trọng triển khai đồng thời hai nhiệm vụ cơ bản: vừa xây dựng, phát triển tổ chức bộ máy, nhân sự, quy chế làm việc, vừa triển khai thực hiện các nhiệm vụ thẩm định, nghiên cứu đề xuất theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bước đầu đáp ứng được yêu cầu tham mưu về kinh tế-xã hội cho Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, những kết quả đó mới là bước đầu, so yêu cầu, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trước mắt còn nhiều khó khăn, đứng trước những thách thức lớn trong việc tìm động lực mới cho sự phát triển kinh tế cũng như đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội, Ban Kinh tế Trung ương phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa để làm tốt công tác tham mưu của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng, số lượng cán bộ có trình độ cao như hiện nay là chưa đủ, để tập hợp trí tuệ để tham mưu cho Đảng, Ban Kinh tế Trung ương cần làm vai trò chủ trì, huy động các cơ quan, các nhà khoa học tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước để hiến kế, đóng góp cho Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách những giải pháp hay, giải pháp đúng, thiết thực để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Làm tốt điều này, vai trò tham mưu, đề xuất của Ban Kinh tế sẽ ngày càng được nâng cao, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.
Trong năm 2014, Ban Kinh tế Trung ương cần tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, trọng tâm là các nội dung liên quan đến tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016) và đề xuất nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Đề cập đến việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Thủ tướng đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Kinh tế Trung ương với vai trò cơ quan chủ trì đề án theo phân công của Bộ Chính trị.
Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất về thành phần, nhân sự Ban Chỉ đạo, yêu cầu Ban sớm trình Thường trực Ban Bí thư quyết định thành lập và triển khai đảm bảo chất lượng và tiến độ thời gian khai theo đúng kế hoạch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương trong công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn ủng hộ và phối hợp chặt chẽ để ban Kinh tế làm tốt chức năng nhiệm vụ được giao, đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.