Thủ tướng "áp" tiến độ cho từng Bộ, ngành về tái cơ cấu kinh tế

(Dân trí) - Trước thực trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, người đứng đầu Chính phủ đã có Chỉ thị, giao thời hạn cụ thể cho từng Bộ ngành. Sự chậm trễ này cũng đã bị Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phê thẳng thắn trong báo cáo thẩm tra.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị triển khai một số nhiệm vụ trong ba năm 2013 - 2015 nhằm thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.

Tại Chỉ thị này, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra các thời hạn cụ thể áp cho các cơ quan bộ ngành hữu quan ngay trong năm 2013 này. Cụ thể, trước khi hết tháng 6, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu của ngành, lĩnh vực và địa phương.

Tiến độ thực hiện tái cơ cấu kinh tế vẫn được cho còn chậm trễ.
Tiến độ thực hiện tái cơ cấu kinh tế vẫn được cho còn chậm trễ.

Đến quý IV, các cơ quan trên và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, địa phương, tập đoàn, tổng công ty.

Còn Bộ Tư pháp phải chủ trì hoàn thành dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư ngay trong quý III tới.

Cùng thời gian, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chủ trì hoàn thành quy trình hợp lý, liên thông giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư – xây dựng từ chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, thẩm định và chấp thuận dự án đầu tư, thỏa thuận về giao đất, cho thuê đất,… đến cấp giấy phép xây dựng. Đồng thời, hoàn thành dự thảo Nghị định về quản lý, giám sát và đánh giá các tập đoàn và tổng công ty nhà nước (thay thế Nghị định 101/2009/NĐ-CP).

Đến quý IV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hoàn thành dự thảo Đề án thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp và Đề án tách chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước.

Dự thảo của một loạt các luật, nghị định như Luật quy hoạch; Luật đầu tư công; Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; Luật đầu tư (sửa đổi); Luật doanh nghiệp (sửa đổi); Luật đấu thầu; Luật phá sản; Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi, bổ sung một số điều); Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi, bổ sung một số điều); Nghị định về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định về đầu tư trung hạn… cũng được Thủ tướng hối thúc các cơ quan bộ ngành hữu quan hoàn thiện.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, hàng quý, các cơ quan sẽ phải tổ chức giao ban kiểm điểm tình hình thực hiện, xây dựng báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong ngành, lĩnh vực và địa phương thuộc thẩm quyền quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, trong báo cáo về thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã thẳng thắn phê việc tiến hành 3 nội dung chính về tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng vẫn còn chậm chạp.

Trong đó, đánh giá về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc triển khai thực hiện chưa có tiêu chí phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực hoặc theo các nhóm để có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm mà thực hiện ở từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị, tính cạnh tranh, tính hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời chưa ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, nhất là vấn đề xử lý các khoản lỗ, dôi dư cán bộ, người lao động.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong năm 2012 và năm tháng đầu 2013, có 28 đề án về cơ chế chính sách phục vụ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp được trình lên Chính phủ, đạt 78% kế hoạch năm 2012 và 50% kế hoạch năm 2013. Ngoài ra, 32 doanh nghiệp đã được sắp xếp, trong đó có 5 doanh nghiệp được sáp nhập, bán 3 doanh nghiệp và thành lập mới 1 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giữa bối cảnh thị trường chứng khoán khó khăn, nhiều doanh nghiệp nhà nước phản ánh việc thoái vốn, cổ phần hoá vẫn gặp nhiều khó khăn và dẫn đến chậm trễ so với yêu cầu tiến độ.

Ở nội dung tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Ủy ban Kinh tế nhìn nhận, hiện một số ý kiến nói các ngân hàng đã triển khai có kết quả bước đầu tái cơ cấu theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng cần minh bạch thông tin đối với các ngân hàng, kể cả các ngân hàng thương mại hoạt động lành mạnh và các ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém, để minh chứng đã triển khai đúng hướng và không bị chi phối bởi nhóm lợi ích, nhằm tăng lòng tin thị trường và xã hội.

Bích Diệp