1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thủ tục đầu tư: Một cửa nhưng... có khóa

(Dân trí) - Hà Nội thực hiện thủ tục đầu tư một cửa nhưng thực tế phải qua nhiều cửa vì vẫn phải xin ý kiến thẩm định của rất nhiều sở ngành; gây chậm trễ. Theo Chủ tịch lãnh đạo thành phố, đây là “làm một cửa nhưng có khóa bên dưới”.

Sáng 22/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì phiên họp tập thể UBND TP với các sở, ngành để bàn về vấn đề “nóng” hiện nay là quản lý đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn.

Cuộc họp này nhằm tập trung thảo luận về việc sửa đối Quyết định số 37/2010/QĐ-UBND ngày 20/8/2010 ban hành quy định một số nội dung về quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn TP đến nay có một số điểm không còn phù hợp, để đưa ra một quy định hoàn chỉnh về đầu tư các dự án trên địa bàn TP.

Thủ tục đầu tư: Một cửa nhưng... có khóa - 1
Thủ tục đầu tư của thành phố vẫn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
 
Theo khẳng định của Chủ tịch thành phố, vừa qua, TP thực hiện thủ tục đầu tư một cửa nhưng thực tế phải qua nhiều cửa vì vẫn phải xin ý kiến thẩm định của rất nhiều sở ngành, gây chậm trễ. “Làm một cửa nhưng có khóa bên dưới” - Chủ tịch nói.

Bởi vậy, lãnh đạo thành phố cho rằng, mục đích của việc sửa đổi Quyết định 37 là cần phải chú trọng đến khâu thẩm định. Bên cạnh đó, phải xem xét lại tất cả các vấn đề khác liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng như: quản lý giám sát, hiệu quả, khai thác sử dụng, hay cả đến các vấn đề an toàn trong xây dựng. Khi có tai nạn chết người như ở Keangnam, các sở, ngành đổ hết trách nhiệm cho Keangnam là không đúng.

Hoặc như, bấy lâu nay đầu tư nhà ở xã hội, chủ đầu tư xây có xác nhà bán trước đã, nhưng hạ tầng xã hội điện, nước… lại chưa có. Ngay cả việc quản lý dịch vụ tầng hầm như trông xe cũng phải quy định, tránh tình trạng mỗi nơi một giá như hiện nay.

Một khu đô thị đầu tư 200 - 300 ha, xây nhà bán với giá cắt cổ, nhưng đường đến dự án, chủ đầu tư lại kiến nghị đầu tư theo hình thức BT là không hợp lý; đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, đóng góp cho phát triển hạ tầng khung. Quy định mới phải quản lý chặt chẽ các vấn đề trên.

Do đó, Chủ tịch chỉ đạo trong quy định mới phải quy định trách nhiệm cho chủ đầu tư từ khi lập dự án, đóng góp vào xây dựng hạ tầng khung. Quy định cũng phải nêu rõ vấn đề khai thác, duy tu bảo dưỡng công trình ra sao. Với khu tái định cư, TP đang quy định để lại 2% nộp ngân sách để duy tu, bảo dưỡng là không đủ. Tới đây, các công, tập đoàn xây dựng khu đô thị nào, phải có trách nhiệm duy tu bảo dưỡng khu đó, ngân sách nhà nước không thu phần đó…

Trong cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cũng góp ý trong quy định mới cần đưa thêm phần chế tài xử lý; ví như nhà đầu tư trúng thầu dự án, sau bao nhiêu thời gian sẽ thực hiện, trách nhiệm, chất lượng ở đâu, bị xử lý như thế nào… tránh tình trạng nhiều dự án đắp chiếu như hiện nay.

Ngoài ra, cuộc họp cũng nhận được nhiều đại diện các sở, ban ngành thành phố đóng góp ý kiến cho việc điều chỉnh Quyết định 37. Điển hình như Sở Kế hoạch Đầu tư phản ánh vấn đề cụ thể là trong thời gian qua, TP Hà Nội kêu gọi đầu tư xây dựng trường đại học chất lượng cao theo quy định hiện nay phải công bố tổ chức đấu thầu, làm họ nản lòng. Hệ quả là mấy năm nay chưa đấu thầu được dự án nào. Do đó, quy định mới cần xem xét lại vấn đề này.

Bên cạnh đó, đại diện Sở Xây dựng đã chỉ ra một số bất cập trong Quyết định 37 của thành phố đang đang bị kênh với Luật Nhà ở, Nghị định 08, Thông tư 03, Nghị định 71…

LH