Đắk Lắk:
Thu nhập tiền tỷ từ mô hình nuôi chim công
(Dân trí) - Từ việc mạnh dạn chuyển hướng làm ăn, anh Phương đã quyết định nuôi chim công – một loại vật nuôi còn ít người nuôi, chính vì sự đầu tư này đã mang lại thu nhập cho gia đình anh lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 1986, anh Trần Văn Phương (SN 1962 , ngụ tổ dân phố 6, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) rời quê hương Thái Bình vào Tây Nguyên lập nghiệp. Trong những năm tháng khó khăn ấy, anh bươn chải với nhiều nghề từ trồng trọt đến chăn nuôi, nhưng hiệu quả kinh tế và rủi ro cũng cao khiến đời sống cũng không được khấm khá là bao.
Năm 2011, tình cờ anh được được người dân địa phương bán cho 4 quả trứng nhặt ở trong rẫy về và bảo đó là trứng chim công. Thấy đây là thứ trứng lạ, tò mò muốn biết có phải là trứng công hay không, anh Phương đã bỏ ra 2 triệu đồng mua 4 quả trứng về, rồi đem cho gà ấp thử.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Thấy việc nuôi công có lợi nhuận hơn nuôi gà, anh quyết định xuống tận Tiền Giang để học kinh nghiệm nuôi, cũng như xin cấp phép nuôi hợp pháp.
Sau khi được cấp phép, anh Phương đã mua 4 con công giống (3 con cái, 1 con đực) với giá 30 triệu đồng về Đắk Lắk nuôi và sử dụng mảnh vườn nhỏ rộng 20m2 sau nhà làm chuồng nuôi công. Sau vài tháng nuôi, 3 con chim công cái cho ra 35 quả trứng, anh bèn cho gà ấp thử nở ra được 20 công con. Từ 20 con công đó, đàn công của anh tiếp tục nhân rộng. Sau này, anh đã triển khai mô hình ấp điện nên tỷ lệ thành công của việc ấp trứng công đạt đến trên 90%.
Hiện tại, đàn công của anh đang có khoảng gần 200 con, cả công giống lẫn công bố mẹ, chưa kể trứng công đang được ấp chờ ngày nở. Mỗi năm trang trại của anh cung cấp hàng nghìn con công giống và công bố mẹ cho các trang trại nuôi khác, thu về hàng tỷ đồng.
Mỗi năm công đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 10 -12 trứng, công thường sinh sản vào cuối xuân và cuối mùa hạ. Do công là loài động vật quý và hiếm người nuôi, nên giá thành khá cáo mỗi cặp công bố mẹ nặng từ 5 – 6 kg có giá từ 25 – 30 triệu đồng/cặp, công con khoảng 6, 7 tháng có giá 7 – 8 triệu đồng/ cặp.
Anh Phương cũng cho biết, một trong những yếu tố giúp mô hình nuôi công của anh thành công là do môi trường nuôi công phải sạch sẽ, thường xuyên phải khử trừng chuồng trại tránh để ẩm thấp, mầm bệnh dễ phát triển.
“Tôi thường sử dụng chế phẩm sinh học (men vi sinh) mỗi tháng đều đặn rải khắp xuồng 1 lần, việc này để phân giải chất thải, khử mọi mùi hôi trong chuồng, có tác dụng diệt khuẩn nên đàn công tôi nuôi rất ít bệnh”, anh Phương cho hay.
Nuôi công đơn giản, chi phí chuồng trại thấp, nhàn công và cho thu nhập rất cao so với chăn nuôi các loài động vật khác, cũng nhờ nuôi công mà gia đình anh Phương trở nên khá giả.
“Hiện nay đầu ra cho nuôi chim công rất phát triển, chỉ cần nắm bắt chút ít kỹ thuật là có thể nuôi; nuôi công nhàn hơn so với các nghề trước đây mà tôi từng làm mà lại cho thu nhập cao không ngờ”, anh Phương nói.